Góp ý cho dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, nhiều chuyên gia đều nhấn mạnh, các thông tin trong ngành điện cần được công khai minh bạch bằng nhiều hình thức như báo cáo đến cơ quan chức năng, các thông tin vận hành hệ thống điện và thị trường điện...để các bên liên quan, người dân nắm bắt dễ dàng, chính xác và đóng góp ý kiến phản biện, tăng cường quản lý thông tin và giám sát.
Cần tránh việc EVN cứ than lỗ và đề xuất tăng giá điện mà người dân không rõ lý do cụ thể, chi tiết. Vì mọi thông tin mập mờ đều có thể làm người dân bức xúc và thiếu tin tưởng. Như thế cũng là một thất bại trong chiến lược xây dựng thị trường điện cạnh tranh, minh bạch.
TS Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng khoa Đầu tư, Đại học Kinh tế Quốc dân nêu ý kiến, việc điều chỉnh giá điện rất quan trọng, tác động đến rất đông người dân, rất nhiều ngành nghề, dịch vụ. Vì thế EVN phải công bố, minh bạch thông tin trước khi quyết định điều chỉnh giá.
“Những thông tin như giá điện mua vào, nguồn thu từ bán điện, các khoản lỗ, lãi hàng tháng...cần công khai để người tiêu dùng dễ dàng nắm bắt, giám sát và thảo luận. Tránh việc chỉ đưa cái lý của EVN vào trước mỗi quyết định”, TS Nguyễn Hồng Minh nói.
Đồng quan điểm trên, TS Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng cho rằng, việc minh bạch thông tin cần thể hiện rõ trên hệ thống hàng tháng, hàng tuần, thậm chí hàng ngày. Nếu EVN công khai càng chi tiết thì người dân càng dễ đánh giá được kết quả kinh doanh của EVN lỗ lãi thế nào, việc tăng, giảm giá điện vì thế cũng dễ nhận được sự đồng thuận của dư luận hơn.
“Khi dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra thì việc điều chỉnh sẽ rất dễ, rất thuận lợi cũng và làm cho sự quản lý Nhà nước thêm thuận lợi hơn”, ông Kiệt nhấn mạnh.
Theo GS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, việc EVN tăng hay giảm giá điện bao giờ cũng phải có giải trình, tính toán vì sao tăng, vì sao giảm, những yếu tố nào quyết định tới điều chỉnh giá điện? EVN phải tính toán đầy đủ yếu tố đầu vào, từ đó tính ra giá phát điện, truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ..."Như thế cũng sẽ không còn cảnh EVN kêu lỗ vì giá điện nữa", ông Long nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, nêu quan điểm: EVN cũng là một doanh nghiệp kinh doanh nên việc họ được tự quyết tăng giảm giá điện theo xu hướng thị trường cũng là điều hợp lý. Tuy nhiên, muốn tăng, giảm như thế nào thì cần phải công khai số liệu đầu vào vì đó là cơ sở để điều chỉnh đầu ra cho phù hợp.
"Việc tính đúng, tính đủ từ giá đầu vào, chi phí vận hành, mức tiêu hao đến giá đầu ra cần phải công bố cho người tiêu dùng biết để theo dõi. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý trực tiếp như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm giám sát kỹ việc này", ông Hòa nói.
Trong khi đó, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, đề xuất của bộ Công Thương cho phép EVN được tăng, giảm giá điện là tích cực, nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm điện của người dân, doanh nghiệp.
“Không ai muốn tăng giá điện cả. Nhưng cuộc chơi phải sòng phẳng, EVN cũng là doanh nghiệp nên không có chuyện họ đứng ra để bù lỗ. Chỉ có điều là EVN cần phải công khai, minh bạch thông tin để người dân, doanh nghiệp và cơ quan có thẩm quyền cao hơn kiểm tra, giám sát”, TS Nguyễn Bích Lâm nói.
Để thực hiện được việc này, ông Lâm cho rằng, các đơn vị chức năng như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phải xem xét kỹ lưỡng mọi con số, vì biến động giá của ngành điện chủ yếu phụ thuộc vào biến động của giá nhiên liệu đầu vào, còn các chi phí cấu thành khác rất ít biến đổi do đã có sự cố định như chi phí quản lý, giá định mức…
Khi dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra thì việc điều chỉnh sẽ rất dễ, rất thuận lợi cũng và làm cho sự quản lý Nhà nước thêm thuận lợi hơn
TS Ngô Tuấn Kiệt
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Ngô Trí Long đánh giá, hiện EVN cũng có chủ động công bố thông tin, bởi EVN không được quyết định giá điện mà do cơ quan quản lý nhà nước quyết định. Tuy nhiên, thông tin của EVN có đúng hay không thì phải có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, trong đó chính xác nhất phải là kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập. Sau khi có sự đánh giá, kiểm tra của kiểm toán thì các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước mới đưa ra ý kiến và cho phép có điều chỉnh hay không. Toàn bộ quá trình này cũng nên minh bạch để người dân nắm bắt.
Ông Long nêu ví dụ: "Sau khi EVN công bố kết quả kinh doanh chẳng hạn giá thành là 5 đồng, nhưng sau khi kiểm toán xác nhận chỉ là 3 đồng thì cơ quan chức năng sẽ dựa trên kiểm toán để xác định đúng giá, rồi mới chuyển đến cơ quan chức năng thẩm định lại nhằm đánh giá mức độ kinh doanh lỗ hay lãi rồi mới công bố, cuối cùng là quyết định có điều chỉnh giá hay không.
Theo dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ được phép tăng, giảm giá điện trong biên độ từ 1% đến dưới 5% mỗi quý một lần.
Cụ thể, trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, EVN sẽ tính toán giá bán lẻ điện bình quân để xây dựng phương án điều chỉnh tăng, giảm.
Nếu giá thành điện giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN sẽ phải điều chỉnh giảm theo. Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Đối với việc tăng giá điện, thẩm quyền điều chỉnh cơ bản được giữ nguyên như quy định hiện hành. Cụ thể, mức tăng từ 3% đến dưới 5% sẽ do EVN được điều chỉnh tăng tương ứng, sau khi báo cáo các bộ ngành liên quan.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. Với mức tăng trên 10%, các bộ ngành, đơn vị liên quan sẽ phải báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN dừng điều chỉnh hoặc điều chỉnh lại giá bán. Nếu vi phạm trong điều chỉnh giá bán lẻ điện sẽ bị xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá.
Bình luận