• Zalo

Thứ rau được xem là 'vàng trên mặt đất', 'tiên dược trời ban' có tác dụng gì?

Dinh dưỡngThứ Sáu, 10/06/2022 17:15:06 +07:00Google News
(VTC News) -

Rau má ta là loại rau dại, không mấy ai biết nó có nhiều tác dụng rất quý, được các thầy thuốc Đông y coi là tiên dược trời ban, là vàng trên mặt đất.

Rau má có tác dụng tiêu nhiệt, dưỡng âm, giải độc,… thường dùng để điều trị nhiều bệnh như viêm họng, viêm amidan, ngộ độc thực phẩm.

Rau má là loại cây thân bò lan. Thân cây gầy và nhẵn, có màu lục ánh đỏ hoặc màu xanh lục. Lá hình thận, cuống dài và màu xanh. Phần đỉnh lá tròn kết cấu trơn nhẵn với gân lá dạng lưới hình chân vịt. Rễ có các mấu. Bộ rễ mọc thẳng đứng, màu trắng kem và được che phủ bằng lông tơ ở rễ. Hoa rau má có màu trắng, nằm gần mặt đất. Hoa lưỡng tính nhỏ hơn 3 mm với 5 – 6 thùy tràng hoa. Quả có hình mắt lưới dày đặc.

BS CKI Nguyễn Trần Như Thủy – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết trong các loại rau có vị đắng, rau má là rau được sử dụng khá phổ biến.

Thứ rau được xem là 'vàng trên mặt đất', 'tiên dược trời ban' có tác dụng gì? - 1

Rau má có nhiều tác dụng cho sức khỏe. 

Trong Đông y, rau má ngọt hơi đắng, tính mát, không độc, quy vào kinh tỳ can thận, tác dụng thanh nhiệt (hạ sốt), giải độc, lợi thủy (lợi tiều), lương huyết, thường dùng chữa viêm họng, ho, tiêu chảy, chữa mụn nhọt, mẩn ngứa. Một số người còn xay nước uống như một loại nước thanh nhiệt, hoặc nấu canh hoặc ăn kèm trong các món cuốn món lẩu.

Thành phần dinh dưỡng chính của rau má gồm: nước, tinh bột, chất xơ, vitamin C, vitamin B1, canxi, phosphor, gam sắt, beta caroten. Tác dụng thường được biết đến là chống lão hóa, dưỡng ẩm và làm đẹp da, bảo vệ tế bào thần kinh, chồng trầm cảm, giảm lo âu và điều trị mất ngủ, cải thiện sức khỏe

Vào những năm 1940, các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu về tác dụng của cây rau má. Nhờ những hoạt chất hóa học thuộc nhóm saponins, rau má giúp kích hoạt đẩy mạnh sinh collagen tốt cho da, tốt cho tim mạch vì rau má làm giảm cholesterol xấu trong máu đồng thời kích thích bài tiết nitric oxide (NO) của mô.

Hợp chất Bracoside B trong rau má có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương, làm tăng cường chất trung gian chuyển hóa giúp não bộ hoạt động tốt hơn giúp cải thiện trí nhớ đặc biệt ở người già.

Lưu ý khi sử dụng rau má

Người có thể chất hư hàn không nên uống nhiều nước rau má, không đi nắng ngay sau khi uống rau má, không uống rau má thay nước lọc. Việc uống nước rau má quá nhiều như uống nước lọc khiến bạn bị đầy bụng, tiêu chảy, tình trạng nghiêm trọng hơn với người có thân nhiệt thấp, hay bị lạnh bụng.

Ngoài ra, dùng rau má nhiều còn khiến bạn nhức đầu, choáng váng, giảm khả năng mang thai và tăng nguy cơ sảy thai. Cẩn trọng vì nước rau má có thể tương tác với các thuốc gây buồn ngủ và thuốc chống co giật, barbiturat, benzodiazepin, thuốc trị mất ngủ và các thuốc chống trầm cảm. Nước rau má cũng có thể làm giảm hiệu quả của insulin chích, thuốc tiểu đường loại uống và các thuốc hạ cholesterol. Bạn cần hạn chế cho thêm đường vào nước rau má, nếu có đường tiêu hóa không tốt, khi uống bạn có thể ăn thêm một vài lát gừng tươi.

Các loại rau có vị đắng nên nhiều người thường không thích ăn, nhưng đa phần chúng lại chứa nhiều vitamin, khoáng chất và là thuốc chữa bệnh rất tốt, giúp giảm nguy cơ mắc ung thư, hỗ trợ điều trị các bệnh về tim mạch, tiểu đường; hỗ trợ tiêu hóa, tốt mắt và gan.

Tuy nhiên, với một số người có thể chất đặc biệt như trẻ nhỏ, người có cơ thể hư nhược, người đang mang thai, người đang cho con bú hoặc đang sử dụng một số thuốc đặc trị cần có sự tham vấn từ bác sĩ để biết cách sử dụng rau đúng cách, tránh gây tác dụng phụ bất lợi cho cơ thể.

Ngọc Hà
Bình luận
vtcnews.vn