Video: Từ trên cao cảnh đồi chè, cà phê ở Lâm Đồng bị băm nát phân lô, bán nền
"Lâm Đồng 5 năm đổ về trước thích lắm, cái không khí đặc trưng hiếm có. Lạnh, nhưng rất dễ chịu. Bởi thế du khách đổ về đây nhiều, họ về đây thưởng thức trà và cà phê. Còn giờ, nhiều lúc ở Bảo Lộc mà nóng như Sài Gòn. Chè và cà phê bị chặt phá hết rồi, đâu đâu cũng thấy xẻ đồi phân lô", trải lòng của một người dân sinh ra và lớn lên tại TP Bảo Lộc.
Phong trào "hiến đất làm đường"
Khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường bất động sản Lâm Đồng bỗng "nóng sốt" khi nhiều cá nhân, doanh nghiệp tập trung đổ về "gom" đồi trọc để phân lô, bán đất nền. Giá bất động sản Lâm Đồng cũng vì vậy tăng gấp nhiều lần so với trước đó, biến tỉnh trở thành địa phương "sốt đất" ở khu vực Nam Tây Nguyên.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu đánh giá đúng bản chất thì "sốt đất" tại đây đang rơi vào tình trạng “sốt ảo”. "Sốt đất" là dấu hiệu tốt, đáng mừng, tuy nhiên "sốt ảo" lại là vấn đề khiến nhà đầu tư dễ gặp rủi ro.
"Cơn sốt đất" tại Lâm Đồng thực chất là do các hộ gia đình, cá nhân thực hiện giao dịch bằng cách quảng cáo dưới hình thức là "dự án bất động sản". Để được phân lô, tách thửa, các cá nhân/doanh nghiệp lách luật bằng cách tự nguyện "hiến đất làm đường".
Tại nhiều khu đất, dù chưa được chính quyền địa phương chấp thuận, những cá nhân này vẫn bất chấp, "vẽ đường" và thực hiện giao dịch để thu lợi cá nhân.
Một kịch bản chung được các doanh nghiệp sử dụng là dùng danh nghĩa cá nhân để gom mua đất nông nghiệp với số lượng lớn. Sau khi có đất, họ “lách luật” bằng cách làm đơn xin hiến đất làm đường, xin xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các thửa đất nông nghiệp, từ đó lắp điện, nước để hình thành nhiều “dự án” với hàng trăm lô đất đem bán.
Kịch bản này thường được áp dụng vì quy trình thủ tục để phê duyệt một dự án phải do UBND cấp tỉnh phê duyệt và qua rất nhiều sở, ngành, cơ quan chức năng xem xét, tham mưu. Vì vậy, thời gian triển khai dự án mất nhiều năm mới xong thủ tục.
Trong khi đó, việc tự xin tách thửa chỉ qua chính quyền cấp xã, huyện nên thời gian nhanh và đỡ tốn kém chi phí hơn rất nhiều. Chưa kể, khi lập dự án thì hệ số sử dụng đất dành cho xây dựng chỉ còn khoảng 45-55%, còn "chiêu" hiến đất làm đường để phân lô thì hệ số đất xây dựng có thể lên tới 80%.
Theo tìm hiểu của PV VTC News, vài năm trở lại đây, các xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều nhận được hàng chục lá đơn xin hiến đất làm đường mỗi năm. Mục đích hiến đất được các chủ đất trình bày là để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ấy thế, thực tế lại rất khó để tìm ra khu đất nào vẫn được dùng để sản xuất nông nghiệp sau khi được chấp thuận việc hiến đất.
Nhà nhà bán đất, người người bán đất
Trong thời gian thực hiện tuyến đề tài tại Lâm Đồng, PV nhiều lần bất ngờ với sự thay đổi đến kinh ngạc của vùng đất vốn là thủ phủ của trà và cà phê này. Trước đây, du khách tìm về Lâm Đồng để thưởng thức những tách trà, những ly cà phê nóng. Nay, người ta đổ về đây để "xí" đồi, hạ đất - phân lô - bán nền.
Từ quán cơm, quán nước, taxi... cho đến các khách sạn, nơi đâu cũng xuất hiện cò đất. Cò đất chính là nhân viên của các hàng quán này. Dường như, mỗi người sống tại đây ngoài công việc chính đều "đeo" thêm nghề cò đất: Nghề phụ nhưng thu nhập chính.
Ở một quán nước trên đường Nguyễn Công Trứ (TP Bảo Lộc), nhiều người ngồi tụm năm, tụm bảy. Đặc điểm chung của tất cả nhóm người này là đều hướng sự chú ý về một người trong nhóm. Người này là cò đất, đang giới thiệu sản phẩm. Mỗi lần có người vào quán, cò đất lập tức đảo mắt để nhận diện "con mồi".
Ăn mặc chỉn chu, bước xuống từ xe ôtô mang biển kiểm soát TP.HCM, chúng tôi nhanh chóng lọt vào tầm ngắm.
Sau một hồi quan sát, một cò đất tiến tới bắt chuyện với chúng tôi. Người này tự giới thiệu tên H.K., là nhân viên môi giới của Công ty Diamond Land, hiện đang bán sản phẩm đất nền thuộc dự án The Gems Paradise. Dự án The Gems Paradise do Công ty CP Ngôi Sao Đỏ (Red Star) làm chủ đầu tư, đứng tên hợp đồng mua bán.
Đưa tờ rơi quảng cáo dự án, người này chào mời: "Chị muốn đi xem đất luôn không, em dẫn chị đi. Giờ đang bán F0 (giai đoạn đầu), nên chị mua ở hay đầu tư thì đều chắc chắn sẽ sinh lời nhiều".
Tại một quán cơm, khi nghe chúng tôi nói chuyện liên quan đến đất đai, nhân viên phục vụ quán lập tức mở lời: "Chị người Sài Gòn hả, muốn mua đất hả, em dẫn đi cho. Em người ở đây nên em giới thiệu cho mấy chỗ đất dân tự phân lô. Vị trí đẹp lắm, giá lại rẻ nữa". Nói rồi, người này xin kết bạn zalo với chúng tôi để giữ liên lạc và thuận tiện trong mua bán.
Trên taxi đến một dự án tại xã Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm), chúng tôi tiếp tục được tài xế mời mua đất. Nam tài xế này khẳng định, chúng tôi muốn mua đất ở bất kỳ vị trí nào thì anh cũng sẵn sàng tìm được cho giá "mềm" hơn.
"Em đi nhiều, đất ở đâu như nào em biết hết. Chị cứ nói đi, chỉ cần nói muốn mua ở thôn nào, xã nào, dự án nào thì em giới thiệu cho. Em làm thêm nên em ăn phần trăm ít thôi, chị cứ yên tâm", tài xế taxi nói với chúng tôi.
Trên các tuyến đường lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đang đua nhau đốn hạ chè, cà phê trên các đỉnh đồi. Sau khi chặt bỏ cây trồng từng là "cần câu cơm" của bao thế hệ đi trước, những quả đồi này tiếp tục bị máy xúc, máy ủi đào bới, hạ đất.
Trên đường Chi Lăng, nối phường Lộc Sơn (TP Bảo Lộc) với xã Lộc Thành (huyện Bảo Lâm), những hecta cà phê đang được người dân ra sức chặt bỏ.
Anh Văn Dũng (ngụ xã Lộc Thành) cho biết, thời gian gần đây anh liên tục được các chủ vườn thuê chặt bỏ cà phê. Các chủ vườn trả công cho anh bằng cách để anh lấy củi về sử dụng.
"Đây là đất của ông chú, 4 sào (4.000m2). Lứa cà phê này trồng được 10 năm rồi, đang thu hoạch tốt thì ổng kêu tui chặt dùm để phân lô. Chừng này ổng tính phân thành mấy chục lô, mỗi lô cỡ 700 triệu đồng. Người ta đi qua thấy tui chặt thì dừng lại hỏi quá trời, ai cũng kêu tiếc, nhưng mà ổng muốn chặt thì tui chặt thôi", anh Dũng cho hay.
Theo anh Dũng, bản thân anh cũng là người làm nông, hiện anh đang có 4ha đất trồng cà phê. Tuy nhiên, anh không chọn cách "ăn xổi" như nhiều người hiện tại. Với 4 sào đất này, nếu trồng cà phê một năm sẽ thu về khoảng 4 tấn nhân, tương đương với khoảng 160 triệu đồng.
Hàng nghìn quả đồi bị cạo trọc
Ghi nhận của PV, dọc các nhánh của loạt con đường nối TP Bảo Lộc với huyện Bảo Lâm như: Tản Đà, Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ, Chi Lăng, Nguyễn Thái Bình... hàng trăm quả đồi bị cạo trọc màu xanh, trơ trọi đất đỏ.
Tại xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm), một thôn đã có đến hàng chục khu đất bị san ủi, trải nhựa đường, phân lô. Bộ 3 "dự án": Sakura Village, Kiwuki Village, 300 Lộc Tân đều được quảng cáo do Công ty Gia Minh Group (GM Holdings) làm đơn vị phát triển.
"Dự án" Phố Hoa Hillside được Công ty BĐS Tây Nguyên Xanh rao bán, quảng cáo có quy mô 26ha. "Dự án" Bảo Lộc Green Wich được Công ty Phú Hoàng Investment nhận là chủ đầu tư, quy mô lên tới 30ha. "Dự án" Ecolake Village của Công ty Kingdom Land (thuộc Tập đoàn Kingdom Corporation) cũng đang "làm mưa, làm gió" tại Lộc Tân trên phần đồi 4,5ha.
Ngoài những cái tên này, thì các công trình mang tên: Bảo Lộc Farm 38, Happy Valley, Dano Farm... cũng được quảng cáo đầy rẫy trên các trang mua bán.
Quảng cáo là vậy, quy mô là vậy, nhưng theo ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Lộc Tân, những khu đất này hiện vẫn đứng tên các cá nhân sở hữu, không thuộc bất cứ một doanh nghiệp nào. Đồng thời, việc thay đổi từ mô hình thuần sản xuất nông nghiệp sang gom đồi bán đất như hiện tại cũng giúp địa phương phát triển kinh tế.
Tương tự, tại xã Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm), đại công trình mang tên Khu nghỉ dưỡng Sun Valley đang khiến dư luận quan tâm đặc biệt về tính pháp lý. Công trình này được xây dựng trên quả đồi 41ha, do Khải Hưng Corp làm đơn vị phát triển.
Sunrice Village, The Gems Paradise II, 50 Lộc Quảng, Green Garden Hill, Star Hill Garden, Sun Home Lộc Quảng, Green Life, Aurora City, Mimosa Garden, Charming Garden... là những cái tên được ghim vị trí bản đồ vào các quả đồi đã bị cạo trọc tại Lộc Quảng.
Sau Lộc Tân và Lộc Quảng, hiện xã Lộc An, Lộc Phú, Lộc Đức, Lộc Ngãi, Lộc Nam và B'lá của huyện Bảo Lâm cũng đang "chạy đua" với phong trào xẻ đồi, phân lô. Từ trên google map, những "khu bàn cờ" giữa đồi xanh được ghim tên: Làng sinh thái An Khuê 2, Tea Village, Hưng Long Centuary, The Tropicana Garden, Panamera Bảo Lộc, Medi Ecovill, Farm House Lộc Đức, Farm Hill Premium, The Venica...
TP Bảo Lộc sau thời gian "nóng sốt", báo chí liên tục phản ánh, một số cán bộ bị xử lý thì nay đâu lại vào đấy. Các "rừng" bê tông vẫn tiếp tục được mọc lên từ đồi xanh.
Sau thời gian "im hơi lặng tiếng" do một số công trình bị "điểm huyệt", các "dự án" mang tên: Fog Garden, An Gia Garden Hill, Evergreen Project, Pine valley, Richard Lộc Phát, Iris Valley, Đam B'ri Ecovill, Suối Mơ Garden Hill, Sun Flower, Homeland Garden, Đam B'ri Hill Village, Country Dream... trở lại TP Bảo Lộc với hình thức bán hàng kín kẽ hơn.
Điểm chung của hàng trăm "dự án" này là đều được hình thành trên những quả đồi, những phần đất vốn được trồng chè và cà phê. Điều này khiến nhiều người lo ngại về cảnh quan cũng như khí hậu của xứ trà này không còn được như xưa.
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng được công bố mới đây, các trường hợp hiến đất làm đường tại TP Bảo Lộc thời gian qua chủ yếu là nhằm mục đích cá nhân. Việc này nhằm "hợp thức" để đủ điều kiện tách thửa, không phải vì mục đích tặng, cho quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình công cộng vì mục đích chung của địa phương.
Việc chính quyền chấp nhận hồ sơ, căn cứ vào đơn xin hiến đất đã gián tiếp ghi nhận công trình vi phạm, tạo điều kiện cho người sử dụng đất được tách thửa vì lợi ích cá nhân.
Việc xây dựng các công trình giao thông với kết cấu bê tông nhựa, bê tông xi măng, vỉa hè, trụ điện trên đất nông nghiệp là hành vi sử dụng không đúng mục đích, có dấu hiệu của hành vi huỷ hoại đất.
Hành vi làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng, làm giảm hoặc mất khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được quy định... thuộc trường hợp bị xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Bình luận