• Zalo

Thu phí xe máy ở TP.HCM: Những phản ứng trái chiều

Thời sựThứ Năm, 04/09/2014 06:46:00 +07:00Google News

(VTC News) – Đề xuất thu phí bảo trì đường bộ (BTĐB) đối với xe mô tô, gắn máy trong thời gian sắp tới của TP.HCM đang gặp những phản ứng trái chiều.

(VTC News) – 

Đề xuất thu phí bảo trì đường bộ (BTĐB) đối với xe mô tô, gắn máy trong thời gian sắp tới của TP.HCM đang gặp những phản ứng trái chiều.

Nếu được HĐND TP.HCM thông qua trong tháng 9 tới, TP.HCM sẽ tiến hành thu phí BTĐB đối với phương tiện xe mô tô, gắn máy từ ngày 1/1/2015. Tuy nhiên, vấn đề này còn có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó đa số cho rằng nếu thu phí cần có cơ chế giám sát chặt chẽ nguồn thu và cần đảm bảo chi đúng theo quy định.
Người dân băn khoăn
Khi được hỏi về đề xuất trên của thành phố, anh Nguyễn Thanh An (ngụ đường Bình Qưới, quận Bình Thạnh) chia sẻ, hiện bản thân anh đang sử dụng một xe SH 125, với dung tích xy lanh 124,8 cm3 và giá mua gần 70 triệu đồng. Với mức phí trên thì 1 năm phải đóng 120 nghìn đồng.
Người Sài Gòn đang lo lắng nếu đề xuất thu phí bảo trì đường bộ đối với xe gắn máy được thực hiện trong thời gian tới
“Mức phí này rất phù hợp, bởi nếu sử dụng dịch vụ hạ tầng thì việc đóng phí là điều đương nhiên. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần phải có những giải đáp cụ thể và thuyết phục để việc thu phí diễn ra minh bạch và sử dụng đúng mục đích”, anh An cho hay.
Trái ngược với ý kiến trên, ông Lê Tiến Nhật (ngụ đường Lê Văn Thịnh, phường Bình Trưng Tây, quận 2) thổ lộ, hiện ông là lao động chính trong gia đình, với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng, vợ ông làm mướn, lương không ổn định, khoảng 3 triệu đồng/tháng. Số tiền này chỉ đủ trang trải tiền nhà, trong khi hai vợ chồng còn phải nuôi 2 đứa con còn nhỏ nên sẽ gặp khó khăn nếu phát sinh thêm chi phí.
“Dù với mức thu phí BTĐB dành cho xe máy mà thành phố đưa ra, tôi chỉ phải đóng 50 nghìn đồng/năm nhưng mong các cơ quan chức năng khi áp dụng cần xem xét hỗ trợ cho các đối tượng có mức thu nhập thấp”, ông Nhật chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu HĐND TP.HCM cho rằng, cần cân nhắc kỹ đề xuất thu phí BTĐB đối với xe máy bởi với khoảng 5 triệu xe gắn máy trên địa bàn thì việc tổ chức thu phí rất khó kiểm soát.
PGS.TS Phạm Xuân Mai, Trường đại học Bách khoa TP.HCM thẳng thắn bày tỏ: xe gắn máy không gây tác động nhiều đến yếu tố kỹ thuật của cầu đường nên việc thu phí để đưa vào quỹ BTĐB là bất hợp lý và khó thực hiện. 
Theo ông Mai, TP.HCM cần đưa ra lộ trình phát triển các phương tiện vận tải công cộng với những tiện ích như sức chứa lớn, chi phí rẻ và vận chuyển nhanh để khuyến khích người dân tham gia di chuyển bằng các phương tiện công cộng thay vì sử dụng xe cá nhân như hiện nay chứ không nên đề xuất phương án thu phí BTĐB khiến nhiều người dân bức xúc. 
Mặt khác, TP.HCM hiện có khoảng 5 triệu xe gắn máy đăng ký, nếu trung bình thu 100 nghìn đồng/xe/năm thì mỗi năm thành phố thu được 500 tỷ đồng vào quỹ BTĐB. Số tiền này tuy lớn nhưng trên thực tế, chi phí cho công tác quản lý vận hành thu cũng rất tốn kém, thậm chí còn có thể phát sinh tiêu cực. 
Cần công khai minh bạch
Trước những băn khoăn trên, ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, dựa trên số liệu khảo sát thực tế tại địa bàn và tham khảo số liệu của các tỉnh, thành (đặc biệt là TP. Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ), Sở đã tính toán và đưa ra mức thu phí phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và thu nhập của người dân TP.HCM, ngoài ra còn xét ưu tiên đối với các đối tượng khó khăn, có thu nhập thấp. Mức phí này còn được giảm từ 10 đến 30 nghìn đồng/xe so với các đề xuất trước đó.  
Liệu việc thu phí đường bộ đối với mô tô trong thời gian tới có hạn chế được xe gắn máy ở TP.HCM? 
Đối với các khoản chi phí “nuôi” bộ máy hành thu, ông Cường cho biết, TP.HCM sẽ làm đúng theo quy định tại Khoản 2, Điều 8 của Thông tư 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính. Cụ thể, trong những năm đầu tiên, các phường, thị trấn được để lại 10% số phí thu được để trang trải chi phí hành thu, tỷ lệ để lại đối với các xã là 20%. 
“Đề xuất thu phí BTĐB đối với xe mô tô, xe gắn máy vào thời điểm này là hoàn toàn phù hợp bởi trong khi nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã thực hiện thu phí từ 1 năm nay thì TP.HCM vẫn chưa có quy định về việc thu phí BTĐB đối với xe mô tô, xe gắn máy”, ông Cường lý giải.
Về vấn đề kiểm soát các xe ngoại tỉnh vào TP.HCM, TS.Võ Kim Cương, nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho rằng, để đảm bảo tính minh bạch và không bỏ sót đối tượng, các tỉnh thành trong cả nước cần đồng loạt triển khai thu phí BTĐB đối với toàn bộ xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn, tránh tình trạng địa phương này thu còn nơi khác không thu. 
TS.Phạm Sanh, nguyên giảng viên trường ĐH Bách Khoa TP.HCM phân tích, với các xe ngoại tỉnh đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM (khoảng gần 2 triệu xe máy), cần chia thành 2 trường hợp: Một là, nếu xe ở tỉnh khác đi vào TP.HCM thì đóng phí ở tỉnh đăng ký; Hai là, xe ngoại tỉnh nhưng hoạt động tại TP.HCM thì đóng theo địa bàn cư trú. 

“Để có sự ủng hộ của người dân và sử dụng phí BTĐB hiệu quả, tôi nghĩ rằng Sở Giao thông vận tải TP.HCM cần đưa ra các phương án thu phí cũng như việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ phí trong Đề án, đồng thời cần thể hiện rõ mục tiêu, kết quả, cách thức hoạt động, tiến độ và cả trách nhiệm của đơn vị, cá nhân được phân công một cách cụ thể và chi tiết”, TS. Sanh góp ý. 
Theo đề xuất thu phí BTĐB đối với phương tiện xe mô tô gắn máy trên địa bàn TP.HCM từ ngày 1/1/2015: Loại có dung tích xy lanh đến 100cm3 mức phí 50.000 đồng/năm (giảm 10.000 đồng so với đề xuất trước đây); loại có dung tích xy lanh trên 100cm3 đến 175cm3 là 120.000 đồng/năm (giảm 30.000 đồng so với đề xuất trước); loại có dung tích xy lanh trên 175cm3 là 150.000 đồng/năm; loại xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xy lanh là 2.160.000 đồng/năm. 

Sỹ Hưng – Tuấn Hưng
Bình luận
vtcnews.vn