• Zalo

Thu phí trạm BOT Cai Lậy: Nhiều lái xe 'bỗng dưng' thành... 'đại gia tiền lẻ'

Kinh tếThứ Tư, 16/08/2017 13:27:00 +07:00Google News

Chỉ trong vài ngày, xung quanh trạm thu phí BOT Cai Lậy xuất hiện nhiều "đại gia" ôm cả bọc tiền lẻ để đi qua trạm thu phí, có người còn vác vài bao tải tiền để chia sẻ cho các tài xế khác.

Để phản đối việc phải trả phí quá cao ở trạm BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nhiều tài xế, lái xe đã đối phó bằng cách trả tiền phí bằng những tờ mệnh giá rất nhỏ 1.000 đồng, 500 đồng, thậm chí là 200 đồng.

Được biết, mức thu phí qua trạm BOT Cai Lậy là 35.000 - 180.000 đồng/lượt, tùy từng loại xe.

“Đại gia tiền lẻ” ở miền Tây

Với chi phí tối thiểu cho 1 lần đi qua trạm BOT Cai Lậy, lái xe phải trả là 35.000 đồng. Nếu trả bằng mệnh giá 500 đồng, thì có tất cả 70 tờ, trả bằng mệnh giá 200 đồng là 175 tờ. Trong khi trả phí, lái xe còn cố tình kéo dài thời gian, bấm còi inh ỏi khiến giao thông tại khu vực BOT Cai Lậy trở nên ùn tắc nghiêm trọng.

20901741_1625702420793526_6233689958837411545_o

Xuất hiện nhiều "đại gia tiền lẻ" ở trạm thu phí BOT Cai Lậy

Mỗi lần tiếp một tài xế vào làn mua vé, các nhân viên rất vất vả để đếm tiền, quá trình này mất rất nhiều thời gian.

Với những mệnh giá 1.000 đồng, 500 đồng hay 200 đồng hiện tại được sử dụng rất ít, số lượng lưu thông trên thị trường không nhiều. Với 500 đồng, tài xế chỉ đủ mua 1 chiếc kẹo cao su, trong khi đó, mệnh giá 200 đồng đã gần như không thể trao đổi - mua bán bất kỳ một mặt hàng nào.

Song, rất nhiều tài xế đã gom góp rất nhiều mệnh giá có giá trị nhỏ để qua trạm phí BOT Cai Lậy và biến các tài xế trở thành các “đại gia tiền lẻ”.

Ghi nhận của PV báo điện tử VTC News tại khu vực gần BOT Cai Lậy, rất nhiều tài xế ôm nhiều “bao tải” bên trong toàn tiền lẻ để đổi cho các tài xế khác.

20907208_1127115864055486_1331556636_o 4

Nhiều lái xe sẵn sàng cho không tiền qua trạm thu phí. 

Anh Hữu Trương cho biết: “Ở đây các lái xe thống nhất trả phí lưu thông bằng mệnh giá thấp, càng nhỏ càng tốt, đa phần là mệnh giá 500 đồng”.

Có người gom góp từ các quán ăn vỉa hè, có người thì gom từ các nhà vệ sinh công cộng hoặc đổi cho các thùng từ thiện.

“Bây giờ, để kiếm 1 số lượng lớn mệnh giá 500 đồng thì rất khó, vì không thể mua - bán được bất kỳ thứ gì. Chính vì vậy, chúng tôi phải gom từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó, anh em lái xe tự chia sẻ và đổi ngang giá trị”, anh Trương cho biết.

Ở xung quanh khu vực BOT Cai Lậy có rất nhiều quán xá, hàng ăn, mỗi cửa hàng thường có 1 thùng từ thiện để ở trước hông nhà. Đây chính là nguồn đổi tiền lẻ chính của các lái xe.

Lái xe Quang Tùng chia sẻ: “Anh em ở đây ai cũng góp sức một ít, người có nhiều thì chia cho người có ít. Thậm chí, có người ôm vài bao tải tiền đến cho không các lái xe khác mà không cần đổi lại”.

“Ở trong này, các hàng ăn đều có thùng từ thiện, khách hàng thường để vào đó 500, 1.000 vào để ủng hộ. Sau đó, chúng tôi đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ cho họ để đi qua phí”, anh Tùng nói.

20841176_1625702540793514_1300734763498125662_n 3

Tiền lẻ được tính bằng... kg. 

Một nguồn đổi khác là từ các bãi gửi xe, đại lý, siêu thị, thậm chí là nhà…. vệ sinh. ”Nguồn tiền lẻ ở đây không thiếu, muốn bao nhiêu cũng có, mà nếu hết thì chuyển sang chỗ khác để đổi”, anh Gia Kiệt - một lái xe thường xuyên qua trạm BOT Cai Lậy nói.

“Bất đắc dĩ chúng tôi mới phải làm thế, chứ ai có muốn đâu. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, ai cũng có gia đình, công việc riêng. Chứ ngồi chờ mãi ở đây có giải quyết được gì đâu”, một lái xe cho biết.

Tài xế mong muốn gì ở trạm BOT Cai Lậy?

Trạm thu phí Cai Lậy bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1/8, sau khi hoàn thành tuyến đường tránh QL1 dài 12 km với 2 làn xe, tổng vốn đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng, do Công ty TNHH đầu tư QL1 Tiền Giang làm chủ đầu tư, được xây dựng hoàn tất. Mức phí qua trạm mỗi lượt từ 35.000 đến 180.000 đồng, có thời hạn thu phí là 6 năm 5 tháng.

xa-tram-thu-phi-cai-lay-vi-tai-xe-tra-tien-le

BOT Cai lậy tê liệt vì... tiền lẻ.

Do trạm nằm trên quốc lộ 1 nên ô tô không đi vào đường tránh Cai Lậy cũng phải mua vé khiến tài xế bức xúc. Nhiều lái xe cho biết, trạm thu phí BOT Cai Lậy được đặt sai chỗ và thu phí quá cao.

Để so sánh mức phí BOT Cai Lậy với các trạm thu phí khác, cụ thể là BOT cao tốc Trung Lương, nhiều lái xe bức xúc khi BOT Cai Lậy đắt hơn 14 lần.

“Cao tốc Trung Lương 62km, có 6 làn, chi phí khi qua đây chỉ có 40.000 đồng/lượt. Còn đường tránh Cai Lậy dài 12km, 2 làn xe, quy ra một làn dài 24km, thu 35.000 đồng, cao gấp 14 lần cao tốc Trung Lương”, một lái xe cho biết.

Video: Những bất hợp lý của BOT Cai Lậy

Theo tính toán của tài xế này, BOT Cai Lậy đang giữ kỷ lục là trạm thu phí… đắt nhắt Việt Nam.

“Chúng tôi không đồng tình với phí qua trạm BOT Cai Lậy, 35.000 - 180.000 đồng/lượt là quá cao”, vị này nói.

“Theo một vài số liệu mà tôi được biết, mỗi đêm có 50.000 lượt xe đi qua địa phận tỉnh Tiền Giang và cũng từng đó lượt xe phải đi qua trạm thu phí Cai Lậy. Nếu tính trung bình 1 tháng, với chi phí thấp nhất là 35.000 đồng, mỗi 1 ngày, trạm BOT này thu về gần 2 tỷ đồng, 52 tỷ đồng/tháng và đạt lợi nhuận siêu khủng khi 1 năm tới 630 tỷ đồng”.

So với chi phí đầu tư ban đầu là 1.400 tỷ đồng, sau 6 năm 5 tháng, trạm thu phí Cai Lậy có thể đạt được 4.000 đồng, một con số siêu lợi nhuận.

Một lái xế khác cho biết, bản thân anh là làm lái xe nhiều năm nay, anh phải chịu đủ mọi thứ thuế, từ phí bảo trì đường bộ, phí tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường..., nay anh còn phải chịu thêm phí khác là phí BOT.

“Tôi yêu cầu cơ quan chức năng phải di chuyển trạm BOT này về đúng nơi quy định là phía trước trạm tránh Quốc lộ 1 thay vì nằm ở vị trí 2 mang như thế này. Chúng tôi không đi qua đường BOT tại sao chúng tôi lại phải trả phí, thậm chí, phí còn đắt như "hút máu" như thế”, vị này nói thêm.

Cho tới thời điểm hiện tại, nhiều tài xế vẫn đang đấu tranh, vận động để đưa trạm này về đúng chỗ của nó. Một số doanh nghiệp vận tải cho biết, với chi phí quá cao như vậy sẽ buộc họ phải tăng giá cước vận chuyển để bù vào khoản lỗ của BOT.

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn