• Zalo

Thu phí đại lộ Thăng Long: Hà Nội cố tình giẫm vào 'vết xe' đổ?

Thời sựThứ Tư, 12/02/2014 03:11:00 +07:00Google News

Hà Nội quên rằng, đề xuất thu phí đại lộ Thăng Long trước đó của Bộ Giao thông vận tải đã từng bị bác bỏ.

Trước dự luận phản ứng việc đề xuất thu phí Đại lộ Thăng Long, Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có văn bản lý giải việc “đòi” thu phí này. Tuy nhiên, có điều Hà Nội quên rằng, đề xuất này trước đó của Bộ Giao thông đã từng bị bác bỏ.
Cuối tháng 1 vừa qua, trước nguy cơ thiếu 5000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ bản, vì thế để tạo nguồn thu, nhất là nguồn cho đầu tư hạ tầng giao thông, Hà Nội đã xin phép Thủ tướng được thu phí trên Đại lộ Thăng Long.
Theo lãnh đạo Hà Nội, việc thu phí nhằm vào những đối tượng tham gia giao thông muốn có dịch vụ chất lượng cao như tăng tốc độ chạy xe, được cung cấp các thông tin về tình trạng giao thông trên đường... Trường hợp người tham gia giao thông không muốn đóng phí có thể lựa chọn hệ thống đường gom hai bên.
Đề xuất trên của UBND Hà Nội sau đó đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều của người dân. Trước áp lực của dư luận, mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có văn bản trả lời về đề xuất thu phí này. Theo đó, đơn vị này cho rằng, việc thu phí là để hoàn vốn cho phần hạng mục công trình không sử dụng tiền ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, trong đề án thu phí Đại lộ Thăng Long của thành phố có nội dung triển khai đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thông minh, bao gồm huy động nguồn vốn dưới nhiều hình thức như: hợp tác công tư (PPP), BOT, BT… tùy theo các hạng mục công trình nhằm hiện đại hóa thực hiện công tác quản lý đường cao tốc, hạn chế tai nạn giao thông.
Vì thế, đơn vị này dự tính, kinh phí để đầu tư hệ thống giao thông thông minh có thể sử dụng theo các hình thức đầu tư nói trên và thực hiện thu phí để hoàn vốn đầu tư (phần ngoài ngân sách).
Tuy nhiên, nếu triển khai theo hình thức xã hội hóa và thu phí trong bối cảnh đã có quy định thu phí sử dụng đường bộ theo Thông tư số 197/2012TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính thì phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương trước khi triển khai thực hiện.
“Hiện tại, đề án thu phí trên Đại lộ Thăng Long (phần đường cao tốc) vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để trình phê duyệt, việc có triển khai thu phí hoặc thu phí vào thời điểm nào là tùy thuộc vào hình thức đầu tư và phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận", Sở GTVT Hà Nội cho biết.

 Hà Nội đang tính chuyện thu phí ô tô chạy trên đại lộ Thăng Long. Ảnh: Hà Thành

Đề án quản lý giao thông thông minh Đại lộ Thăng Long có gì?
Theo tìm hiểu của PV, dự thảo đề án Thí điểm hệ thống quản lý giao thông thông minh trên Đại lộ Thăng Long chủ yếu gồm các nội dung chủ yếu như: hệ thống đếm và phân loại phương tiện giao thông tự động dùng để đếm các phương tiện tham gia giao thông; hệ thống camera giám sát dùng cho việc giám sát các hoạt động giao thông diễn ra trên truyến; hệ thống bảng báo hiệu tự động (VMS) cung cấp các thông tin xác thực trên tuyến đường tới người điểu khiển phương tiện; hệ thống truyền dữ liệu đảm bảo kết nối toàn bộ các thiết bị trong hệ thống; trung tâm điều hành là trụ sở làm việc và điều hành hoạt động của Trung tâm quản lý đường cao tốc; trạm thu phí; phần mềm quản lý giao thông thông minh; hệ thống kiểm soát xe quá khổ, quá tải.
Đặc biệt, nhằm hoàn vốn đầu tư cho ngân sách, đồng thời, tạo nguồn thu tiếp tục đầu tư các tuyến đường khác trên địa bàn; tạo nguồn thu để thực hiện công tác quản lý, duy tu, duy trì cơ sở hạ tầng Đại lộ Thăng Long, dự thảo đề xuất thành phố cho phép tổ chức thu phí tại đại lộ này.
Theo đề án, thành phố sẽ tổ chức quy trình thu phí đóng; thu theo loại xe, tải trọng và thực tế quãng đường đi. Hình thức thu phí chủ yếu là trả phí không dùng tiền mặt (ETC) thông qua tài khoản đăng ký trước với hệ thống, hoặc thẻ trả trước với mệnh giá khác nhau.
Vì sao, Hà Nội cố tình giẫm vào "vết xe" đổ?
Liên quan đến việc thu phí này, khoảng tháng 10/2011, sau khi Đại lộ Thăng Long được thông xe và đưa vào sử dụng khoảng một năm, lấy lý do thiếu vốn để mở rộng đầu tư các tuyến đường khác, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Chính phủ cho phép thu phí các phương tiện đi trên đại lộ này.
Tuy nhiên, đề xuất này sau đó đã bị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bác bỏ và cho rằng, đề nghị thu phí Đại lộ Thăng Long để bổ sung nguồn vốn của Nhà nước để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc của Bộ Giao thông là “chưa phù hợp”.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, dự án Đại lộ Thăng Long được đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 7.527 tỷ đồng, trong đó vốn Ngân sách Trung ương khoảng 1.840 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đã hoàn thành và được giao cho thành phố Hà Nội quản lý và khai thác. Do đó, việc Bộ Giao thông Vận tải đề nghị thu phí Đại lộ Thăng Long để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc do Bộ Giao thông Vận tải quản lý là “chưa phù hợp”.
Bẵng đi một thời gian, cuối tháng 1 vừa qua, Hà Nội lại có văn bản xin Thủ tướng cho phép thu phí đại lộ Thăng Long. Có điều đáng nói là, trong năm 2012 và 2013, chính UBND Hà Nội đã nhiều lần có văn bản hối thúc Bộ Giao thông vận tải dỡ bỏ trạm thu phí đường Bắc Thăng Long - Nội Bài và trạm thu phí Vĩnh Thanh để tránh phí chồng phí.
Tuy nhiên, vừa tiếp nhận bàn giao tuyến đường đại lộ Thăng Long từ Bộ Giao thông vận tải về cho Hà Nội quản lý, UBND Hà Nội đã đề xuất thu phí trên đại lộ này.
Rõ ràng, dù biết từng bị Bộ Kế hoạch Đầu tư bác bỏ và cũng từng yêu cầu Bộ Giao thông dỡ bỏ trạm thu phí tại khu vực cửa ngõ Thủ đô nhưng Hà Nội lại đang giẫm phải "vết xe" đổ do Bộ Giao thông vận tải để lại. Nhiều ý kiến cho rằng, với đề xuất trên, Hà Nội đang tự mình làm khó chính mình?
Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) dài dài 28km, rộng 140m, gồm 2 dải đường cao tốc quy mô mỗi chiều 3 làn xe; 2 dải đường đô thị 2 làn xe; dải phân cách giữa; 2 dải đất dự trữ và dải trồng cây xanh, vỉa hè.
Được thông xe vào đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây được coi là tuyến đường cao tốc hiện đại, là trục giao thông chính nối liền Thủ đô Hà Nội với các huyện của ngõ phía Tây Thủ đô cũng như kết nối Thủ đô với các tỉnh phía Tây Bắc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương nơi tuyến đường đi qua. Cao tốc này cho phép các phương tiện chạy với tốc độ cao, do đó, việc quản lý, vận hành, khai thác cũng như xử lý vi phạm, xử lý các sự cố đòi hỏi có các trang thiết bị chuyên dụng, đồng bộ, ứng dụng công nghệ hiện đại.

Bình luận
vtcnews.vn