Người dân có thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng trở lên mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân, đồng thời, sẽ được giảm trừ tới 3,6 triệu đồng/tháng cho một người phụ thuộc. Đây là mức dự kiến điều chỉnh cao cách biệt so với đề xuất ban đầu của Bộ Tài chính về sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Sẽ tăng mức giảm trừ gấp 1,25 lần so với hiện hành
Sau 3 tháng lấy ý kiến các bộ ngành, cơ quan, bản mới nhất dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế thu nhập cá nhân đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ.
Điểm tích cực nhất là Bộ này đã tăng mạnh các mức giảm trừ gia cảnh, khởi điểm chịu thuế so với tính toán ban đầu trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp.
Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng tương ứng trên 108 triệu đồng/năm, giảm trừ cho người phụ thuộc 3,6 triệu đồng/tháng/người tương ứng 43,2 triệu đồng/người/năm. Nói cách khác, mỗi người dân phải có thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng mới là mức khởi điểm chịu thuế.
Các mức điều chỉnh trên cao gấp 1,25 lần so với mức hiện hành và tăng thêm 50% so với đề xuất ban đầu.
Trong khi đó, theo phương án ban đầu được công bố hồi tháng 3, Bộ Tài chính chỉ dự kiến tăng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế (khởi điểm chịu thuế) lên 6 triệu đồng/tháng, tăng mức giảm trừ cho người phụ thuộc lên 2,4 triệu đồng/tháng. Nếu so với mức hiện hành là trên 4 triệu đồng/tháng khởi điểm chịu thuế và 1,6 triệu đồng/tháng giảm trừ cho một người phụ thuộc, các mức dự kiến ban đầu này chỉ tăng thêm 50%.
Thời điểm Luật sửa đổi có hiệu lực sẽ bắt đầu từ 1/1/2014.
Mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân sẽ được điều chỉnh tăng 9 triệu (ảnh: theo Xaluan) |
Theo một nguồn tin cho biết, lý do mà Bộ Tài chính sửa mạnh các mức điều chỉnh trên là vì nguyên cớ sau khi lấy kiến các cơ quan, bộ ngành, tỷ lệ không ủng hộ phương án của bộ chiếm phần lớn. Các mức giảm trừ trên đều được cho là quá thấp, sẽ trở nên lạc hậu vào thời điểm 2 năm tới, khi luật mới đi vào cuộc sống.
Bộ Tài chính khi đó cho hay, nguyên tắc tính khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân là phải cao hơn mức thu nhập bình quân toàn xã hội tại thời điểm Luật có hiệu lực. Nguyên tắc này đảm bảo những người có mức thu nhập trung bình trở xuống chưa phải nộp thuế. Đối chiếu nguyên tắc này vào thực tế cuộc sống, hầu hết, các ý kiến người dân đều cho rằng, mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng vào hiện tại năm 2012 còn chưa đủ sống, nhất là khu vực thành thị, nói gì tới năm 2014 mà còn phải nộp thuế.
Theo bài toán của Bộ Tài chính, 4 căn cứ làm cơ sở điều chỉnh thuế là mức tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân giai đoạn 2011-2015, biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Đề án cải cách tiền lương tối thiểu giai đoạn 2012-2013 và kết quả điều tra xã hội học của Tổng Cục thống kê về mức thu nhập và đời sống dân cư thực hiện vào năm 2010.
Tuy nhiên, tất cả các dự báo của Bộ Tài chính đều dựa trên kịch bản nền kinh tế phát triển bình thường, không lạm phát, không suy giảm, không có khủng hoảng xảy ra. Chưa kể, nhiều ý kiến chuyên gia cũng lo ngại, việc lấy kết quả điều tra mức sống dân cư từ năm 2010 để áp dụng cho năm 2014 thì giá trị thực tiễn, tính chính xác sẽ không còn nhiều.
Có thể thấy, phương án điều chỉnh mới về giảm trừ gia cảnh của Bộ Tài chính trùng với kiến nghị của Cục Thuế Tp HCM hồi đầu tháng 4.
Khi đó, Cục Thuế Tp HCM cho biết, Luật hiện hành đang tính mức khởi điểm chịu thuế bằng 6 lần lương tối thiểu khu vực hành chính sự nghiệp, gấp 2,5 lần mức GDP bình quân .
Áp dụng các tỷ lệ trên, căn cứ mức tăng lương tối thiểu thì mức khởi điểm chịu thuế trên 4 triệu đồng/tháng hiện hành sẽ tăng lên thành 9,9 triệu đồng/tháng vào năm 2014.
Nếu tính căn cứ vào GDP bình quân theo đầu người dự kiến 1.811-1.843 USD/năm/người vào năm 2014 thì mức khởi điểm chịu thuế đến năm 2014 sẽ tăng lên 8,9-9,1 triệu đồng/tháng.
Lại tiếp tục giữ nguyên biểu thuế 7 bậc
Ngoài ra, dự thảo mới nhất của Bộ Tài chính đã quyết định không sửa Biểu thuế lũy tiến từng phần như dự thảo ban đầu.
Theo đó, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên cách tính thuế chia làm 7 bậc như luật hiện hành.
Biểu Thuế Thu nhập cá nhân hiện hành
Bậc thuế Phần thu nhập tính thuế/tháng Thuế suất (%) 1 Đến 5 5 2 Trên 5 đến 10 10 3 Trên 10 đến 18 15 4 Trên 18 đến 32 20 5 Trên 32 đến 52 25 6 Trên 52 đến 80 30 7 Trên 80 35
(trđ)
Trong đó, bậc 1 là thu nhập chịu thuế đến 5 triệu đồng/tháng có mức thuế 5%. Bậc 2 có thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng nộp thuế 10%, bậc 3 thu nhập từ 10-18 triệu nộp thuế suất 15%, bậc 4 thu nhập từ 18-32 triệu đồng/tháng nộp thuế suất 20%, bậc 5 có thu nhập từ 32- 52 triệu đồng/tháng nộp thuế suất 25%, bậc 6 có thu nhập từ 52-80 triệu đồng/tháng thì nộp thuế suất 30%.
Bậc 7, thu nhập chịu thuế từ 80 triệu đồng/tháng trở lên sẽ phải nộp thuế suất 35%.
Trong khi trước đó, dự thảo ban đầu đã đưa ra phương án giảm biểu thuế lũy tiến xuống 6 bậc và bỏ thuế suất 35%. Trong đó, bậc 6 là giới hạn thu nhập chịu thuế từ 52 triệu trở lên nộp thuế suất 30%.
Lý giải của Bộ Tài chính khi đó cho rằng, thuế suất 35% là quá cao, không khuyến khích người có trình độ kỹ thuật cao, năng lực điều hành giỏi ra sức lao động và sẽ khó thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học, nhân lực, lao động có tay nghề cao ở nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Hơn nữa, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng đang có lộ trình giảm dần, từ mức 25% hiện nay xuống 22-23% vào năm 2015 và 20% vào năm 2020. Do vậy, bỏ thuế suất 35% thuế thu nhập cá nhân là nhằm tương ứng với Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các ý kiến phản biện từ Hiệp hội Tư vấn Thuế cho rằng, để khuyến khích người dân nộp thuế thì cần hạ mức thuế suất bậc 1 xuống còn 2-3% thay vì 5%. Ngoài ra, khoảng cách thu nhập giữa các bậ thuế cần giãn ra như bậc 1 có thể từ 0-15 triệu đồng/tháng thay vì chỉ 5 triệu đồng/tháng như hiện nay.
Theo VEF
Bình luận