Ngay sau khi tiếp nhận việc chuyển giao từ Mỹ virus chủng ASF G-Delta I177L/Delta VLR và dòng tế bào thường trực PIPIC (PIPEC), phòng thí nghiệm Dabaco đã đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm. Giữa tháng 10/2021, “anh cả” trong ngành chăn nuôi đã công bố hoàn thành quy trình nuôi, phát triển, bảo quản thành công tế bào dòng thường trực PIPIC (PIPEC); Gây nhiễm, nuôi cấy, bảo quản thành công chủng virus ASF G-Delta I177L/Delta VLR trên dòng tế bào thường trực PIPIC (PIPEC).
Dabaco tiêm thử nghiệm vaccine
Theo ông Vũ Đăng Đồng - Giám đốc Trung tâm chẩn đoán thú y Dabaco, kết quả này chính là tiền đề quan trọng để Dabaco hoàn thiện, thử nghiệm, điều chế - sản xuất vaccine nhược độc dịch tả lợn châu Phi. Để nhanh chóng thực hiện các bước tiếp theo, ngày 26/10 các chuyên gia trong phòng thí nghiệm của Dabaco tiêm thử nghiệm vaccine phòng dịch tả lợn châu phi trên đàn lợn để đánh giá độ an toàn, và hiệu quả của vaccine.
Được biết thí nghiệm tiêm thử nghiệm được triển khai chia thành 5 lô, trong đó 4 lô tiêm thử nghiệm ở các nồng độ khác nhau và 1 lô đối chứng (không tiêm sản phẩm/hoặc tiêm nước cất) để so sánh, đánh giá khách quan với 4 lô đã tiêm. Toàn bộ số lợn trong thí nghiệm được kiểm tra an toàn, chỉ tiêu kháng thể kháng ASFV âm tính; Các chỉ tiêu virus ASF, PRRS, CSF, PCV2… đều phải âm tính.
Trong quá trình thí nghiệm, lợn được kiểm soát hàng ngày các chỉ tiêu lâm sàng như: thân nhiệt, khả năng ăn uống, các hoạt động của lợn so với đối chứng.
Chia sẻ thêm về thí nghiệm này, ông Đồng cho biết: “Các lợn tiêm phòng sau 30 phút, 24 giờ không xảy ra bất thường; Như vậy, bước đầu có thể nhận định sản phẩm thử nghiệm là an toàn”. Toàn bộ lô lợn thí nghiệm sau khi tiêm vaccine 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày, sẽ được lấy mẫu kiểm soát tính sinh miễn dịch, bài thải vi rút, tăng trọng…”.
Sau tiêm 28 ngày sẽ tiến hành công cường độc lô thí nghiệm và lô đối chứng. Dự kiến sau thời gian từ 28-35 ngày Dabaco sẽ công bố kết quả tiêm vaccine thử nghiệm trên đàn lợn.
Bài toán cần giải quyết mở ra cơ hội cho Dabaco trên thị trường quốc tế
Sau khi xuất hiện tại Việt Nam, trong năm 2019 - 2020 dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi. Sang năm 2021, số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy trong những tháng đầu năm dịch về cơ bản đã được kiểm soát, chỉ còn phát sinh những ổ dịch nhỏ lẻ, tổng đàn lợn đã hồi phục nhanh, số lượng lợn tiêu hủy lũy kế 3 tháng đầu năm (tính đến 19/3) khoảng hơn 3,2 nghìn con, giảm 87,9 % so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, Cục Thú y cho biết tính đến giữa tháng 4/2021 dịch cũng đã kịp gây thiệt hại kinh tế lên tới 28.000 tỷ đồng, làm chết khoảng 6 triệu con lợn, ngân sách nhà nước đã phải hỗ trợ cho công tác phòng chống khoảng 13.000 tỷ đồng.
Do đó, những thông tin mới nhất về quá trình nghiên cứu, thử nghiệm vaccine của Dabaco đã mang đến tin vui cho người chăn nuôi vào những tháng cuối năm 2021. Hơn thế nữa, trong bối cảnh chưa có quốc gia nào sản xuất được vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi thì việc thử nghiệm thành công vaccine còn mở ra cơ hội mới cho Dabaco nói riêng và ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.
Theo đánh giá của các chuyên gia, từ nền tảng vaccine ASF, Dabaco sẽ giữ thế chủ động trong quá trình đưa Việt Nam trở thành cường quốc về chăn nuôi lợn trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Đồng thời Tập đoàn này cũng chính thức ghi tên mình trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ chăn nuôi đòi hỏi trình độ kỹ thuật hàng đầu thế giới hiện nay.
“Việc nghiên cứu, sản xuất vaccine xóa sổ dịch tả lợn châu Phi đặt ra nhiều thách thức lớn cho Dabaco, tuy nhiên chúng tôi cũng đồng thời xem đây là cơ hội để bước chân ra thị trường quốc tế, gia tăng giá trị cho thương hiệu trong thời gian tới”, ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco cho biết.
Bình luận