Trong đó, thu nội địa vượt 21,8% dự toán, tăng 9,9%; thu từ dầu thô vượt 176% dự toán (giá dầu bình quân khoảng 105 USD/thùng, tăng 45 USD/thùng so dự toán), tăng 74,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 43,9% dự toán, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Bộ Tài chính, thu NSNN năm 2022 vượt dự toán chủ yếu do hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng khả quan (GDP tăng 8,02%); tổng mức bán lẻ tăng 19,8%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,8%, xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 8,4%, xuất siêu 11,2 tỷ USD. Bên cạnh đó, giá dầu và một số hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng cao đã góp phần tăng thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Một số khoản thu có mức vượt khá so với dự toán như: thuế thu nhập cá nhân vượt 38,5%, chủ yếu nhờ thị trường chứng khoán, bất động sản tăng trưởng mạnh trong năm 2021, quyết toán thuế năm 2021 từ các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán... được nộp trong quý I năm 2022; các khoản thu về nhà, đất vượt 54,5% do thị trường bất động sản duy trì đà phát triển từ cuối năm 2021, các địa phương đã đẩy mạnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, đôn đốc thu tiền sử dụng đất và xử lý thu hồi nợ đọng của các dự án đã thực hiện giao đất, góp phần tăng thu tiền sử dụng đất năm 2022 so dự toán; thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước tăng 17% chủ yếu do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nhiệp năm 2022 đã có sự hồi phục, đồng thời phát sinh khoản thu tiền cổ tức năm 2020 được chia trong năm 2022 của 2 ngân hàng Vietcombank và Vietinbank khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng, qua đó góp phần tăng thu ngân sách cho lĩnh vực này.
Trong khi đó, tổng chi NSNN 12 tháng ước đạt 1.562,3 nghìn tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 82,8% dự toán Quốc hội quyết định đầu năm, đạt 75,1% kế hoạch Thủ tướng giao (bao gồm cả vốn chương trình mục tiêu năm trước chuyển sang và vốn chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội); chi trả nợ lãi đạt 94% dự toán; chi thường xuyên đạt 92,4% dự toán.
Các nhiệm vụ chi NSNN 12 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.
Bộ Tài chính cũng chỉ rõ kết quả của các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Tổng số thuế miễn, giảm trong năm 2022 ước khoảng 50,2 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% số dự kiến khi xây dựng Chương trình (64 nghìn tỷ đồng).
Cụ thể: Giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%; Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô, đạt khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng; Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng; Giảm thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng; Giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí (từ ngày 1/1/2022 đến ngày 30/6/2022) nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khoảng 900 tỷ đồng; Giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng do COVID-19 năm 2022 (dự kiến khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng).
Ngoài ra, trước diễn biến giá xăng, dầu tăng đột biến trong những tháng đầu năm 2022, để kiểm soát lạm phát, giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế, ổn định đời sống người dân, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn với quy mô dự kiến khoảng 32 nghìn tỷ đồng. Ước thực hiện các chính sách này năm 2022 khoảng 30,7 nghìn tỷ đồng.
Bình luận