Chính vì muốn lấy lòng triều đình mà Tống Giang dẫn các huynh đệ đi đánh quân Phương Lạp, để rồi bị thương vong nặng nề, những người còn lại cuối cùng cũng bị đám người của thái sư Sái Kinh hạ độc.
Nhân vật có thật
Thực ra trong lịch sử, Tống Giang là nhân vật có thật. Ông đã từng lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa nông dân, nhưng bị đánh bại và đầu hàng trong vòng chưa đầy ba năm, và ông không phải là người đi chinh phạt Phương Lạp.
Năm 1119, triều đình nhà Tống ra trát nói rằng vùng Lương Sơn Bạc "thuộc sở hữu của triều đình", và những người kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá hay hái sen phải nộp thuế. Tháng 11 năm ấy, Tống Giang và một số người nổi dậy, phất cờ khởi nghĩa ở Lương Sơn. Vì Tống Giang tính tình cương trực, lại hay giúp đỡ dân địa phương nên khi khởi nghĩa nổ ra, rất nhiều ngư dân và các đối tượng khác cũng lên núi hưởng ứng.
Triều đình nhà Tống rất lo ngại việc này, cử đại binh đi trấn áp, còn quân Lương Sơn thì tỏ ra thiện chiến, linh hoạt. Dưới sự bao vây của quân triều đình đông hơn nhiều lần, Tống Giang đã dẫn quân nổi dậy liên tiếp tấn công Thanh Châu, Tế Châu, Bạc Châu và Vận Châu, mở rộng phạm vi hoạt động từ Sơn Đông đến khắp các vùng của Hà Bắc, kéo dài hàng trăm dặm, như chốn không người.
Vào mùa đông năm 1120, khi quân khởi nghĩa Tống Giang đang dần lớn mạnh, thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân Chiết Giang là Phương Lạp cũng dẫn quân công phá Sở Châu và Tú Châu. Triều đình hoảng sợ. Đầu năm 1121, Tống Giang dẫn quân khởi nghĩa tiến vào vùng Giang Tô, bị Trương Thúc Dạ bao vây. Quân Tống Giang mặc dù chiến đấu dũng cảm, gây cho quân địch nhiều tổn thất nặng nề. Nhưng đối mặt với vòng vây, chiến thuyền bốc cháy, đường rút lui bị cắt đứt, Tống Giang phải đầu hàng Trương Thúc Dạ, chấp nhận chiêu an.
Nhiều nhà sử học cho rằng, trong thực tế, sau khi đầu hàng, Tống Giang không dẫn quân đi chinh phạt Phương Lạp. Ông ta không thực sự đầu hàng, mà chỉ để bảo toàn sức mạnh của mình.
Vì vậy, khi thời cơ thích hợp, Tống Giang lại dấy binh, nhưng cuộc khởi nghĩa này sớm thất bại. Vào năm 1122, cuộc nổi dậy của Tống Giang bị Chiết Khắc Tồn đàn áp, Tống Giang và nhiều người khác bị giết.
Tuy nhiên, cuộc nổi dậy của Tống Giang có tác động sâu rộng và quân khởi nghĩa có thời điểm sắp lật đổ được nhà Tống. Triều đình đã không thể thu thuế được ở rất nhiều vùng lãnh thổ. Ngay sau đó, quân Kim tiến xuống phía nam xâm lược nhà Tống và triều Tống về cơ bản đã bị tiêu diệt mà không có bất kỳ sự phản kháng nào.
Anh hùng trong mắt "lục lâm thảo khấu"
Tống Giang là thủ lĩnh của cuộc nổi dậy nông dân trong thời kỳ nhà Bắc Tống. Sau đó ông đầu hàng nhà Tống và bị giết sau một cuộc binh biến khác. Vào thời điểm đó, hoàng đế nhà Tống là Triệu Cát, tên hiệu là Tống Huy Tông. Ông là một hoàng đế mờ nhạt trong lịch sử Trung Quốc. Vua nhu nhược, chơi bời phóng đãng, lẳng lơ, ham mê hưởng lạc theo đúng chất một công tử phong lưu thời bấy giờ. Trong khi đó, việc triều chính bị Sái Kinh và tay chân lũng đoạn. Các cuộc nổi dậy của nông dân lần lượt nổ ra ở nhiều nơi. Trong số đó, cuộc nổi dậy của Tống Giang năm 1119 ở Lương Sơn Bạc mạnh mẽ hơn cả và có ảnh hưởng rộng lớn.
Sử sách Trung Quốc nói Tống Giang (?—1122), sinh ra ở thôn Tống Gia, làng Thủy Bảo, huyện Vận Thành, tỉnh Sơn Đông, là nguyên mẫu lịch sử của Tống Giang trong tiểu thuyết Thủy hử của Thi Nại Am. Thủy hử được xem là một trong “tứ đại danh tác” của văn học cổ điển Trung Quốc (ba tác phẩm còn lại gồm Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký và Hồng lâu mộng).
Năm 1119, Tống Giang lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa nông dân, nhưng so với cuộc khởi nghĩa Phương Lạp cùng thời thì quy mô nhỏ hơn nhiều.
Trong tiểu thuyết Thủy hử (tạm dịch: Bên bờ nước), Tống Giang là thủ lĩnh nghĩa quân Lương Sơn Bạc. Tống Giang lấy tên hiệu là Công Minh, ngoài ra ông còn có hai biệt danh là Hô Bảo Nghĩa (Người kêu gọi chính nghĩa) và Cập Thời Vũ (Mưa kịp thời). Tống Giang nổi tiếng khắp thiên hạ, được giới “lục lâm thảo khấu” khắp nơi ngưỡng mộ.
Nhưng chúng ta hãy trở lại chính sử để hiểu bối cảnh cuộc khởi nghĩa của Tống Giang, cũng như những gì diễn ra trong thực tế mà dựa vào đó, nhà văn Thi Nại Am đã hư cấu thành các nhân vật, chi tiết trong tiểu thuyết. Huy Tông của triều Tống là một vị hoàng đế nổi tiếng ham vui và lơ là triều chính trong lịch sử Trung Quốc. Có thể nói Huy Tông rất đa tài, làm thơ, vẽ tranh, đặc biệt thích chơi đàn, giỏi về âm luật, thư pháp, hội họa, kỳ hoa dị thảo... Bất cứ ai có thể chiều theo ý mình thích, dù là đại thần trong triều, thái giám hay người đi chợ đều được Huy Tông tin tưởng và trọng dụng. Trong số đó, sáu người được Tống Huy Tông tin tưởng, nhất là Sái Kinh, Chu Mẫn và Đồng Quán. Nhóm này bị thiên hạ gọi là "lục tặc" (sáu tên giặc) vào thời điểm đó.
Những kẻ thống trị của triều đại Bắc Tống chủ yếu dành thời gian để uống rượu, ăn chơi, trong khi bách tính lầm than, đói rét. Trước hành vi vơ vét, tham nhũng của Sái Kinh và đồng bọn, người dân ta thán nhiều, và dần họ cho rằng cần phải đứng lên diệt Sái Kinh, Đồng Quán, vì vậy các cuộc nổi dậy của nông dân lần lượt nổ ra ở nhiều nơi. Trong số đó, có cuộc nổi dậy ở Lương Sơn Bạc năm 1119.
Tin tức về khởi nghĩa Tống Giang truyền đến kinh đô, nhưng triều đình Bắc Tống lúc đầu không mấy để ý. Tháng 12/1119, Tống Huy Tông ban chỉ dụ, nói rằng có loạn ở Kinh Đông lộ, hạ lệnh bắt giết phản tặc. Vua quan nhà Tống nghĩ rằng quân nổi dậy có thể bị quét sạch dễ dàng, nhưng tình hình khác xa dự kiến của họ. Vì quân Tống đã lâu không đánh trận, thiếu huấn luyện nên hiệu quả chiến đấu cực kỳ kém, còn quân Tống Giang thì tài giỏi mạnh mẽ, 36 thuộc hạ của ông đều tỏ ra uy dũng.
Một số sách cổ Trung Quốc có ghi rằng Tống Giang và Quan Vũ (Quan Vân Trường, một tướng của Lưu Bị thời Đông Hán) có nét tương đồng về ngoại hình. Cả hai đều có “mắt phượng”, tai có phần giống nhau. Điểm khác biệt là Quan Vân Trường mặt đỏ còn Tống Giang mặt đen. Nhưng Tống Giang là một nhân vật rất phức tạp. Ông chưa bao giờ thực sự chống lại triều đình, ngay cả khi bị bắt giam, ông vẫn nghĩ về chuyện luật pháp, kỷ cương của đất nước. Ông rất hiếu thảo, không quên người cha già ở quê trong khi mình đang được hưởng phú quý. Rất nhân từ và nghĩa khí, ông có thể làm bất cứ điều gì cho huynh đệ của mình.
(Còn nữa)
Bình luận