• Zalo

Thủ lĩnh đội quân ăn mày nổi tiếng trong sử Việt là ai?

Hỏi - ĐápThứ Ba, 29/10/2024 08:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Ông đã cùng quân lính cải trang thành những kẻ hành khất, đi thu thập thông tin kẻ địch, giúp vua Lê quét sạch giặc Minh.

Người được nhắc đến chính là danh tướng Phạm Ngũ Thư. 

Phạm Ngũ Thư quê ở làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, lộ Hải Đông (nay thuộc xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), là cháu ba đời của danh tướng Phạm Ngũ Lão. 

Trước khi mất, cha gửi gắm Phạm Ngũ Thư cho quan Thái bảo Trần Nguyên Hãn chăm sóc, dạy bảo thành người. Sau này, khi nhà Trần bị Hồ Quý Ly cướp ngôi, Phạm Ngũ Thư thôi không làm quan cho triều đại mới, về làm dân thường, sống cuộc sống đạm bạc qua ngày.

Sau khi nhà Hồ sụp đổ, quân Minh kéo vào xâm lược, đau khổ trước cảnh đất nước bị đô hộ nên khi biết tin Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, ông gia nhập nghĩa quân, dốc lòng đánh giặc cứu nước. Được chủ tướng tin cậy, ông xây dựng hệ thống tình báo ngụy trang thường dân để thu thập tin tức trên các địa bàn hoạt động.

Danh tướng Phạm Ngũ Thư quê ở làng Phù Ủng, huyện Đường (nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). (Ảnh minh hoạ)

Danh tướng Phạm Ngũ Thư quê ở làng Phù Ủng, huyện Đường (nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). (Ảnh minh hoạ)

Bản thân Phạm Ngũ Thư và đội quân của mình còn đóng giả thành những người ăn mày dơ dáy, bẩn thỉu, hành khất tới các trại quân Minh. Sau khi nắm được tình hình quân địch, cách bày binh bố trận của chúng, những tình báo ăn mày này sẽ về tâu lại với các thủ lĩnh khởi nghĩa để hoạch định kế hoạch tác chiến.

Hệ thống tình báo của Phạm Ngũ Thư hoạt động đắc lực, góp phần quan trọng vào thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn, quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập.

Năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi lên ngôi vua, lấy niên hiệu Thuận Thiên. Sau đó vua định công phong chức tước, ban thưởng cho các công thần chia làm 4 hạng, gồm 339 người có nhiều quân công nhất, trong đó có Phạm Ngũ Thư.

Dù được phong làm Trung lượng tả phụng thần vệ quân, tước Đại trí tự nhưng ông viện cớ tàn tật để khước từ quan chức xin về quê sinh sống, chỉ nhận tước và phần thưởng là hai trăm mẫu ruộng rồi đem chia hết cho dân nghèo để trồng cấy.

Sau khi dặn vợ con làm nhiều hơn nữa việc thiện, phát tâm giúp đỡ kẻ khó, Phạm Ngũ Thư tiếp tục đi hành khất đến cuối đời.

Kim Nhã
Bình luận
vtcnews.vn