• Zalo

Thu hút FDI, Việt Nam sẽ có gói chính sách 'may đo chứ không may sẵn'

Đầu TưThứ Sáu, 04/09/2020 12:16:37 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đang nghiên cứu các gói chính sách "may đo" để thu hút FDI, tức là mỗi doanh nghiệp, dòng vốn đầu tư sẽ có cơ chế, chính sách riêng.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến ngày 20/8, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Có một tín hiệu đáng mừng là sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua.

Theo các chuyên gia, đây là dấu hiệu của làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với những biện pháp phòng chống COVID-19 tích cực và hiệu quả.

Tuy nhiên, để tận dụng được làn sóng đầu tư mới này, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần phải có cách làm khác trước đây. Đó là tiếp tục cải cách thể chế tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, chủ động và nhất quán về chính sách thu hút đầu tư, đồng thời chính các doanh nghiệp trong nước cũng phải chủ động hơn nữa.

Có như vậy Việt Nam mới tận dụng được cơ hội vàng để đón các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác, biến các tiềm năng thành sức mạnh cho nền kinh tế và tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

Thu hút FDI, Việt Nam sẽ có gói chính sách 'may đo chứ không may sẵn'  - 1

Để thu hút vào tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp FDI, Việt Nam cần thiết kế những gói chính sách cụ thể cho từng doanh nghiệp, từng ngành. (Ảnh: Ngọc Khánh)

Tại buổi tọa đàm "Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá" được tổ chức sáng nay 4/9, ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) thông tin: "Do ảnh hưởng của COVID-19, hoạt động đầu tư trên thế giới suy giảm khoảng 40%. Các nền kinh tế lớn giảm sâu hoặc âm. Tại Việt Nam, nguồn vốn đăng ký mới tăng thêm khoảng 20 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ. So với thế giới giảm sâu, ta giảm như thế là rất ít.

Ngoài ra, số dự án đăng ký mới tăng 6%, số dự án đăng ký tăng thêm tăng 22,2%. Xuất nhập khẩu của Việt Nam giảm khoảng 5-6%, điều đó chứng tỏ các doanh nghiệp trong khối đầu tư nước ngoài tuy có bị tác động nhưng ít".

Ông Hoàng cũng cho biết, qua tiếp xúc với các công ty, tập đoàn nước ngoài thì thấy Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn.

Tuy nhiên hiện tại vấn đề được đặt ra là Việt Nam cần làm gì để có thể đón được làn sóng đầu tư nước ngoài này?

Ông Nguyễn Đình Cung - chuyên gia kinh tế, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng cho rằng, cần phải nhìn vào thực tế là chúng ta muốn gì và phải làm gì. "Chúng ta phải thiết kế được những gói chính sách may đo chứ không may sẵn để phù hợp với từng nhà đầu tư, không thể làm chung chung đại trà, có như vậy mới thu hút được nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài", ông Cung nhấn mạnh.

Cùng bàn về vấn đề trên, ông Hoàng khẳng định: "Chúng tôi cùng các bộ ngành đang tham mưu để ra các gói chính sách phù hợp với từng ngành, từng doanh nghiệp".

Các chuyên gia cũng cho rằng để thu hút được nguồn vốn đầu tư FDI chất lượng cao, điều cần làm ngay là phải nâng cấp lực lượng lao động, ngoài ra cần chuẩn bị thật tốt các yếu tố như điện, đường, đất, nhân lực để khi các doanh nghiệp đầu tư cần gì là chúng ta có thể đáp ứng được ngay.

Ngọc Khánh
Bình luận
vtcnews.vn