Các dự báo kinh tế đều cho thấy một bức tranh ảm đạm với sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo Báo cáo Đánh giá khả năng ảnh hưởng kinh tế của COVID-19 do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) mới công bố tháng 5/2020, do hậu quả của đại dịch, nền kinh tế toàn cầu có thể chịu thiệt hại từ 5,8 nghìn tỷ đến 8,8 nghìn tỷ đô la Mỹ, tương đương 6.4% đến 9.7% GDP toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam lại đang được đánh giá là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, đặc biệt với thành tích kiểm soát COVID-19 vô cùng hiệu quả, và với xu hướng dịch chuyển và đa dạng hóa nguồn cung đang diễn ra trên toàn cầu.
Để thu hút vốn đầu tư, đón làn sóng chuyển dịch mới, ngày 17/6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định số 850/QĐ-Ttg thành lập tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… để có thể thực sự đón đầu làn sóng đầu tư này. Đặc biệt, việc tạo điều kiện đầu tư thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, và đảm bảo sự an tâm cho các nhà đầu tư là vô cùng quan trọng.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2019, ông Takahisa Onose, Đại diện Nhóm Công tác Thuế & Hải quan đã chia sẻ quan điểm về một vấn đề nổi cộm mà doanh nghiệp nào cũng quan tâm – các nguyên tắc trong lĩnh vực thuế và kế toán.
Theo ông Takahisa, Việt Nam cần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư rằng khi phải đối mặt với những thách thức và cơ hội từ các mô hình kinh doanh và giao dịch mang tính đổi mới và phức tạp, cơ quan thuế Việt Nam sẽ có cơ chế chính sách công bằng và hợp lý trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cốt lõi.
Bên cạnh đó, đại diện của nhóm công tác về thuế và hải quan tại diễn đàn cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cơ chế giải quyết những mâu thuẫn trong việc diễn giải và thực thi pháp luật cũng như trong quá trình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
Từ góc độ chuyên gia quốc tế, ông Wayne Barford, Cố vấn cấp cao của Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế cũng chia sẻ thêm về khái niệm “chuyển giá”. Theo ông, đây là các quy tắc và phương pháp định giá cho các giao dịch nội bộ và giữa các doanh nghiệp thuộc cùng một hệ thống sở hữu hoặc kiểm soát. Do những giao dịch liên kết xuyên biên giới có thể làm thay đổi thu nhập chịu thuế, các cơ quan thuế ở nhiều quốc gia có thể áp dụng những phương pháp xác định giá khác với những phương pháp thông thường dựa trên giá thị trường giữa những doanh nghiệp độc lập.
Theo ông Wayne, việc xác định rõ bản chất của các giao dịch liên kết và hoạt động chuyển giá trong doanh nghiệp là vô cùng quan trọng để phân định đây là một hoạt động tài chính thông thường hay là một hành vi lạm dụng chuyển giá nhằm mục đích trốn thuế. Khi đã có sự đồng thuận về cách hiểu giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, các vấn đề đều sẽ được giải quyết trên cơ sở minh bạch, rõ ràng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của cả nhà nước và doanh nghiệp.
Một trong những biện pháp hiệu quả trong việc quản lý những rủi ro về giá là Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA). Theo ông Mark Gillin, Trưởng Nhóm công tác Thuế và Hải quan, VBF, mô hình phổ biến nhất để thực hiện điều này là của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) với nguyên tắc cơ bản là khái niệm “giá thị trường”.
OECD đã giải quyết vấn đề không rõ ràng này bằng cách cung cấp các hướng dẫn liên quan đến thỏa thuận trước về giá. Theo đó, các doanh nghiệp có thể cung cấp cơ sở cho việc định giá của bên liên quan cho cơ quan thuế phê duyệt trước khi thực hiện giao dịch. Các thỏa thuận này giúp đảm bảo chắc chắn cho doanh nghiệp, đồng thời mang lại hiệu quả cao cho Chính phủ.
Bình luận