Loen và Ann Christin, hai du khách Đức đến Việt Nam và lên Gia Lai để du lịch. Nhưng vì đến từ vùng dịch, nên họ được cán bộ y tế hướng dẫn cách ly y tế để phòng dịch Covid-19 và 2 người đã chấp hành.
Hoàn thành thời gian cách ly tại Khu cách ly Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, hai du khách người Đức viết thư cảm ơn các y, bác sĩ.
VTC News xin đăng tải bản dịch bức thư xúc động viết vội của hai du khách.
“Kính gửi đội ngũ y bác sĩ! Cảm ơn các bạn vì sự chăm sóc tận tình! Các bạn đã cho chúng tôi một quãng thời gian tuyệt vời ở đây và khiến chúng tôi nở nụ cười nhiều lần.
Ngay cả khi cơ sở vật chất ở đây khác ở Đức nhưng chúng tôi cảm thấy mình được chào đón. Các bạn đã giúp chúng tôi hiểu ra những điều chưa rõ ràng và làm chúng tôi ngạc nhiên với tất cả những gì cần thiết. Cảm ơn rất nhiều vì sự hỗ trợ và thấu hiểu từ các bạn. Các bạn đã làm cho thời gian chúng tôi ở lại đây thú vị hơn rất nhiều. Chúc các bạn những điều tốt đẹp nhất! Loen - Ann Christin”.
Dù còn nhiều bất đồng về ngôn ngữ và khác biệt về văn hóa, nhưng suốt thời gian cách ly y tế, Loen và AnnChristin đều cảm nhận được tình cảm chân thành, sự chăm sóc tận tình, chu đáo của đội ngũ y, bác sĩ.
Đọng lại trong họ những kỷ niệm đáng nhớ về đất nước Việt Nam tươi đẹp và những con người Việt Nam thân thiện, hiếu khách. Các y, bác sĩ không khỏi xúc động khi nhận được lá thư của Loen và Ann Christin, bác sĩ Sô Song Hương Ly, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới cho biết: “Chúng tôi làm hết sức có thể trong khả năng của mình để giúp các bệnh nhân có được sự thoải mái, an tâm trong thời gian cách ly tại đây. Với các bệnh nhân là người nước ngoài, dù khác biệt về ngôn ngữ nhưng bằng mọi cách, mọi người đã giải thích để họ hiểu vấn đề đang diễn ra và phối hợp tốt. Không chỉ chăm sóc về mặt sức khỏe, chăm lo từng bữa ăn và hỗ trợ các bệnh nhân khi họ cần, chúng tôi thường xuyên động viên, trò chuyện để họ an tâm”.
Không chỉ chăm sóc về mặt sức khỏe, từng bữa ăn và hỗ trợ khi cần, các y, bác sĩ thường xuyên động viên, trò chuyện để các bệnh nhân an tâm. Theo bác sĩ Ly, từ đầu tháng 2, Khu cách ly Khoa Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận gần 40 trường hợp cách ly y tế tại đây; trong đó, có 4 bệnh nhân là người nước ngoài.
Hiện tại Khu cách ly vẫn còn 22 bệnh nhân. Hầu hết các bệnh nhân đều có sự phối hợp và chấp hành theo quy định. Đối với những trường hợp tư tưởng chưa thông thì ngay từ đầu các y, bác sĩ cố gắng giải thích để họ hiểu và hợp tác.
“Như trường hợp của một bệnh nhân người Ấn Độ (hiện vẫn đang còn cách ly y tế tại đây), lúc đầu mới vào Khu cách ly, anh buồn, lo và khóc nhiều. Chúng tôi đã trò chuyện, động viên và hiện nay anh này đã phấn chấn tinh thần, vui vẻ, an tâm ở lại.
Hay một trường hợp một bệnh nhân người Việt, ban đầu cũng có chút khó khăn vì họ không muốn ở lại cách ly nhưng sau đó sự chăm sóc chu đáo, nhiệt tình của các y, bác sĩ họ đã thay đổi quan điểm. Anh này sau khi hoàn thành thời gian cách ly theo quy định về đã viết thư cám ơn bác sĩ qua Facebook”, bác sĩ Ly cho biết.
Bữa cơm muộn tại khu cách ly Khi dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, số trường hợp phải vào cách ly y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh tăng nhiều hơn, đồng nghĩa với việc các y, bác sĩ tại đây thêm phần vất vả.
Bệnh nhân cách ly 14 ngày thì các y, bác sĩ trực phải cách ly tại bệnh viện chừng ấy thời gian. Để rồi, những bữa cơm gia đình trở nên quá xa xỉ đối với đội ngũ y, bác sĩ của Khoa Bệnh nhiệt đới. Còn những bữa cơm tại khu cách ly mỗi ngày lại muộn hơn, đơn sơ hơn, thế nhưng dù vất vả, gian nan bao nhiêu họ vẫn cùng nhau san sẻ để vượt qua. Những bữa cơm muộn, ăn vội của các y, bác sĩ tại Khu cách ly.
Những bữa cơm muộn, ăn vội của các y, bác sĩ tại Khu cách ly. Đối với những điều dưỡng nữ, họ bỏ lại thiên chức làm mẹ, làm người phụ nữ của gia đình để ở lại khu cách ly, hoàn thành nhiệm vụ.
Dù len lỏi một chút buồn vì nhớ gia đình nhỏ, nhưng điều dưỡng Trần Thị Len vẫn vui vẻ nói: “Tất cả công việc gia đình chúng tôi đều phải xếp lại để khi vào đây rồi thì chỉ tập trung toàn lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao. Đồng thời mọi người cũng động viên nhau ở trong khu vực cách ly nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân viên, đồng nghiệp và gia đình”.
“Xác định làm việc tại Khoa Bệnh nhiệt đới là phải gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch nên mọi người cũng đã chuẩn bị tư tưởng ngay từ đầu, chia sẻ cùng nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, điều dưỡng Đinh Thanh Thủy ngồi gần đó nói thêm.
Với các y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, công việc dẫu vất vả nhưng nếu có sự cảm thông, phối hợp, chia sẻ của bệnh nhân thì những nhọc nhằn ấy cũng vơi đi phần nào. Và đôi khi, chỉ là những lời cám ơn chân thành hay lá thư viết vội cũng sẽ là động lực, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để họ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Video: Nhiều công dân hoàn thành cách ly ở Khánh Hòa
Bình luận