Trong số 3 thủ môn được HLV Park Hang Seo triệu tập lên ĐT Việt Nam lần này, Bùi Tiến Dũng có thể chưa phải người có chuyên môn vượt trội nhất, nhưng chắc chắn anh là cái tên nổi tiếng hơn cả. Màn trình diễn xuất thần tại VCK U23 Châu Á giờ đây đã là quá khứ. Câu hỏi đặt ra là liệu Tiến Dũng có duy trì được phong độ tốt hay không?
Thủ môn hay nhất VCK U23 châu Á
Ai cũng biết thành công của U23 Việt Nam ở giải Châu Á vừa qua có đóng góp không nhỏ từ sự xuất sắc của thủ môn Bùi Tiến Dũng. Phong độ đỉnh cao đó không chỉ đưa U23 Việt Nam vào tới trận chung kết một cách thần kỳ mà còn giúp thủ môn người Thanh Hóa lọt vào đội hình tiêu biểu của giải đấu.
Về mặt cảm quan, rõ ràng việc Tiến Dũng chơi hay là điều có thể cảm nhận được. Nhưng dưới góc độ bầu chọn, rõ ràng AFC đã dựa trên những thống kê rất chi tiết để nhìn ra được sự xuất sắc của Bùi Tiến Dũng.
Xét riêng trong số 4 thủ thành bắt chính của 4 đội vào tới bán kết giải U23 Châu Á, Tiến Dũng sở hữu tới 21 pha cứu thua, bỏ xa Ergashev của nhà vô địch Uzbekistan và Al Bakari của Qatar với chỉ 9 pha cứu thua. Mặc dù chịu xếp sau thủ thành Kang Hyeon Mu của U23 Hàn Quốc khi anh này có 23 pha cứu thua, nhưng bù lại Tiến Dũng “vô đối” ở chỉ số phá bóng giải nguy khi đứng đầu cả giải đấu với 21 lần.
Với việc U23 Việt Nam ở giải này bị đánh giá thấp và luôn phải chọn lối chơi phản công, Tiến Dũng vô tình được hưởng lợi khi áp lực lên khung thành tạo ra vô số cơ hội cho anh thể hiện. Nếu tách riêng thống kê của Tiến Dũng, có thể thấy anh là người phải nhận số cú sút rất cao với 30 pha dứt điểm. Trong số này, U23 Việt Nam thủng lưới chỉ 9 bàn, còn lại 21 nguy cơ đã bị thủ thành sinh năm 1997 hóa giải.
Quan trọng nhất, Tiến Dũng là người có số lần cản phá penalty cao nhất trong cả giải đấu, những tình huống góp phần đưa U23 Việt Nam tới trận chung kết lịch sử.
Suất bắt chính ở FLC Thanh Hóa
Trở lại với đội bóng chủ quản, thành công từ U23 Việt Nam đã nâng cao vị thế của Tiến Dũng và giúp anh có lợi thế trong việc giành lấy suất bắt chính. HLV Marian Mihail của FLC Thanh Hóa rõ ràng đã có lí khi tin dùng thủ thành quê Ngọc Lặc bởi các con số thống kê chỉ ra rằng Tiến Dũng gần giống như một “thần tài” của đội bóng.
Một trong những chỉ số thống kê nổi bật nhất của Bùi Tiến Dũng là số trận giữ sạch lưới. Từ đầu mùa, anh bắt chính 4 trận và trong đó 3 lần giữ sạch lưới. Trong số 4 trận này, FLC Thanh Hóa thắng 2, hòa 1 và kiếm được 7/12 điểm, một con số khả dĩ hơn rất nhiều so với người cạnh tranh ở CLB là Bửu Ngọc.
Sau 379 phút thi đấu chính thức mùa này, Tiến Dũng có 9 pha cứu thua và để thủng lưới 2 lần, tức trung bình cứ 42,1 phút anh lại có 1 pha cứu thua. Có thể thấy, sự tỉnh táo và phong cách chơi ổn định vẫn được thủ thành này duy trì.
Lên cấp độ ĐTQG, Tiến Dũng chưa thể so kè cùng Văn Lâm và Tuấn Mạnh về mặt thống kê khi số trận cả 3 người chơi mùa này có sự khác biệt. Tuy nhiên, một điểm cộng khác dành cho thủ môn sinh năm 1997 là khả năng chơi chân khá tốt.
Lối chơi FLC Thanh Hóa mùa này chú trọng triển khai bóng từ tuyến dưới nhiều hơn, vì vậy Tiến Dũng thực hiện nhiều đường chuyền ngắn ở sân nhà và vì vậy tỷ lệ chuyền chính xác của anh đạt 40,6%. Trong khi đó, cả Văn Lâm và Tuấn Mạnh đều có xu hướng thường xuyên phất bóng dài nên tỷ lệ chuyền chính xác trung bình là 16,6% và 12,5%.
Video: Bùi Tiến Dũng kiến tạo giúp FLC Thanh Hóa đánh bại CLB TP.HCM
Bên cạnh đó, việc Tiến Dũng tạo dựng được niềm tin nơi HLV Park Hang Seo xuyên suốt chiến dịch VCK U23 Châu Á vừa qua cũng là cơ sở để thủ thành này có thể giành suất bắt chính ở ĐT Việt Nam.
Qua các con số thống kê, có thể thấy rằng khi trở lại sau ánh hào quang của U23 Việt Nam, Bùi Tiến Dũng vẫn giữ được cái đầu lạnh và sự tập trung cao độ. Những con số thống kê trên chỉ phần nào phản ánh những màn thể hiện tốt mà thủ thành người Thanh Hóa có được cho đến thời điểm hiện tại, tuy nhiên, rất có thể đó sẽ là tiền đề giúp Tiến Dũng tự tin trong việc cạnh tranh suất bắt chính ở ĐT Việt Nam sắp tới.
Bình luận