Cụ thể, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng khẩn trương chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, căn cứ khả năng tài chính xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ.
Chi nhánh tổ chức tín dụng tại các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng phải hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định.
Đồng thời, vận động cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị hỗ trợ, chia sẻ khó khăn; tổ chức thăm hỏi, động viên đối với các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là các gia đình có thiệt hại về người, hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất; thực hiện công tác an sinh xã hội đối với các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của đợt thiên tai này.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố chủ động nắm sát tình hình mưa lũ trên địa bàn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương rà soát, thống kê dư nợ vay bị thiệt hại do mưa lũ để kịp thời triển khai việc hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại.
Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố báo cáo Ngân hàng Nhà nước kết quả triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ cụ thể về dư nợ, số khách hàng bị thiệt hại; dư nợ, số khách hàng được hỗ trợ thông qua các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, cho vay mới, biện pháp hỗ trợ khác.
Thời điểm báo cáo vào các ngày 31/10, 15/11 và 30/11/2020.
Bình luận