Ngày 1/3, khi Tổng thống Nga dành 40 phút (một nửa thời gian trên bục) nói về 6 loại siêu vũ khí hạt nhân chiến lược mới và trên hai màn hình lớn dọc suốt bức tường hiện lên hình ảnh thử nghiệm người ta mới hiểu tại sao bản thông điệp hàng năm của ông lại trì hoãn đến tận đầu tháng 3.
Điều này cũng lý giải vì sao sự kiện không thực hiện ở điện Kremlin như thường lệ, mà chuyển sang không gian mênh mông của nhà triển lãm Manhez ngoài bức tường Kremlin.
Nguyên do là một số loại vũ khí chỉ thử nghiệm thành công vào cuối năm 2017 và chỉ ở nhà triển lãm mới có thể sử dụng màn ảnh lớn. Tất nhiên, không phải tình cờ mà thời điểm thông điệp được chọn trước bầu cử 15 ngày.
6 siêu vũ khí mà ông Putin nhắc đến bao gồm tên lửa đạn đạo hạt nhân xuyên lục địa tốc độ siêu âm không hạn chế tầm bay và không hệ thống đánh chặn nào ngăn được.
Bên cạnh đó là động cơ năng lượng hạt nhân gắn cho tên lửa có cánh bay thấp siêu mạnh, quỹ đạo bay không cố định, tầm xa không hạn chế, không thể ngăn chặn bởi hệ thống phòng thủ hiện nay và hệ thống được xây dựng mới thời gian tới.
Tàu ngầm siêu nhỏ không người lái có thể mang đầu đạn hạt nhân, có tốc độ không một loại tàu ngầm hay tàu nổi nào đọ được cũng được Tổng thống Nga nhắc đến.
Nó bơi lặn, lượn vòng dưới mực nước sâu nhất và đánh trúng mọi mục tiêu trên nước và trên mặt đất. Điều này khiến các hệ thống phòng thủ không thể phát hiện và ngăn chặn và thử nghiệm thành công tháng 12/2017.
Bên cạnh đó là hệ thống tổ hợp máy bay và tên lửa hạt nhân tốc độ siêu âm đã trang bị cho đơn vị phòng vệ thử nghiệm và hệ thống vũ khí laser cũng đã trang bị trên thực tế.
Cuối cùng là tên lửa siêu âm bay tốc độ cao, linh hoạt, chịu nhiệt độ cháy ngoài vỏ 1.600-2.000 độ C biến thành “quả cầu lửa" không thể đánh chặn và bắt đầu sản xuất hàng loạt.
Có thể nói, thông điệp liên bang ngày 1/3 của ông Putin thực sự làm thế giới kinh ngạc và giới chức Mỹ "lạnh gáy".
Video: Tên lửa tối tân của Nga xuất hiện trong thông điệp liên bang của ông Putin
Có hai điểm "đáng sợ", thứ nhất, các vũ khí mới này, như ông Putin tuyên bố, vô hiệu hoá mọi hệ thống đánh chặn. Như vậy ông Putin không nói suông, khi cách đây nhiều năm, Mỹ rút khỏi thoả thuận hạn chế hệ thống đánh chặn tên lửa, phía Nga tuyên bố sẽ có những cái mới để không bị mất thế cân bằng hạt nhân với Mỹ
Thứ hai, đa số các vũ khí mới đã ở giai đoạn thử nghiệm xong và bắt đầu trang bị. Ông Putin cũng nói rồi quân đội các nước khác lúc nào đó sẽ có những vũ khí tương tự. Nhưng người Nga cũng không ngồi yên thời gian này và sẽ có những cái mới đi trước.
Dĩ nhiên, cuộc trưng bày vũ khí của ông Putin nhận được các phản ứng khác nhau. Ở nước Nga, cũng có nhà khoa học cho rằng một số vũ khí là viễn tưởng, ông Putin khoe vũ khí là để cho cuộc bầu cử sắp tới.
Liên quan đến bầu cử, động thái này chắc chắn được tính toán để có tác động đến nó. Nhưng khách quan thì không cần phải có sự khoe này chuyện thắng cử của ông Putin không ai nghi ngờ.
Và là Tổng thống Nga, ông Putin không thể kể chuyện viễn tưởng. Tính toán đối ngoại của Putin là ép Mỹ quay lại với thương thảo hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa đồng thời cảnh báo phương Tây đừng coi Nga là cường quốc loại hai.
Về mặt đối nội, ông Putin muốn gửi thông điệp cho người Nga là: “Thời gian qua phải lo chuyện quốc phòng, thời gian tới sẽ dốc lực cho cải thiện đời sống. Tôi là người bảo vệ cho các bạn và sẽ giúp các bạn có cuộc sống khấm khá hơn”.
Phương Tây không nghi ngờ chuyện ông Putin công bố trong khi Nhà Trắng nói đã biết và Mỹ sẽ hiện đại hoá thêm tiềm năng hạt nhân của mình, có cách để không thể bị vượt mặt.
Tuy nhiên, có chuyên gia vũ khí phân tích những năm qua, Mỹ bỏ nhiều tỷ USD cho nỗ lực thử nghiệm vũ khí laser và tên lửa tốc độ siêu âm, nhưng chưa thành công.
Bản thân việc Lầu Năm góc vội vã tuyên bố từ 2019 sẽ thúc đẩy chương trình vũ khí tốc độ siêu âm cho thấy họ phải trấn an người Mỹ vì chuyện này.
Người Nga có thể hào hứng, họ có lý của họ. Còn thế giới lo ngại một làn sóng chạy đua vũ trang mới sẽ bị khơi nguồn, lo ngại này càng đúng.
Bình luận