Kỳ cuối: Bí ẩn chưa thể giải mã
Như đã nói ở kỳ trước, khi vào trong hang đá bí ẩn cheo leo trên vách đá ở xã Trung Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình), chúng tôi đã gặp ký tự lạ.
Đi sâu vào trong hang theo lối có ký tự bí ẩn, hang càng rộng, nhiều ngõ ngách. Cả nhóm chúng tôi cố gắng đánh dấu từng ngách động để tránh đi lạc, tốn công sức, thời gian.
Đi thêm một quãng nữa, bất chợt bên vách đá xuất hiện ký tự thứ hai, mờ mờ ảo ảo. Nó được viết bằng chất liệu màu đen, chiều cao cỡ 2 gang tay. Tôi đưa tay quẹt thử nhưng không hề thấy mực ăn vào tay, điều đó chứng tỏ nó đã được viết một thời gian khá lâu, ngấm sâu vào đá.
“Người rừng” Đinh Hồng Nhâm soi đèn pin vào rồi thốt lên: “Ký tự này giống hệt số 1222”.
Một loạt câu hỏi được đặt ra. Ông Đàn cho rằng có ai đó đã đánh dấu thời điểm đặt chân vào hang động, đó là năm 1222. Nhưng ý kiến đó nhanh chóng bị phủ nhận, bởi đơn giản là vào thời điểm đó nước ta chưa có số đếm được viết như hiện tại.
Anh thanh niên người Rục bảo rằng đó là con số 1922, nghe có vẻ hợp lý hơn. Tuy nhiên, nếu đúng là như vậy, thì người viết lên những con số này có nhiều khả năng là người Pháp, vì Minh Hóa lúc ấy còn là một vùng đất hoang vu rậm rạp, không có bóng người. Hơn nữa, những dân tộc thiểu số quanh vùng cũng chưa ai được học chữ quốc ngữ.
Hình vẽ gây tranh cãi trong hang |
Tiếp tục tiến vào sâu vào bên trong, không khí càng trở nên oi bức, như thể đang ngồi cạnh bếp lửa. Từ địa điểm phát hiện con số kỳ lạ đó, cứ vài mét chúng tôi lại thấy những nét vẽ bí ẩn khác, to nhỏ không giống nhau. Và đúng như “người rừng” đã miêu tả trước đó, có khu vực tôi thấy những ký tự giống như chữ tượng hình của Trung Quốc, cũng có đoạn lại chỉ là những nét vẽ loằng ngoằng.
“Người rừng” Đinh Hồng Nhâm cho biết, ngày trước ông cũng bắt gặp những hình vẽ tương tự, nhưng ở lối khác trong hang đá. Đây là lần đầu tiên ông khám phá hướng mới cùng chúng tôi.
Những hình vẽ này giống chữ Trung Quốc |
Những nét vẽ không rõ hình thù gì |
Với những gì đã nhìn thấy, nhiều giả thiết được đặt ra. Phải chăng những hình vẽ lạ là thông điệp nào đó, bởi không ai vô công rồi nghề, bất chấp nguy hiểm leo lên hang để rồi cặm cụi vẽ lên vách đá như vậy.
Ông Đàn khẳng định, suốt 30 năm kể từ ngày cùng gia đình chuyển về xã Trung Hóa sinh sống, ông chưa thấy ai leo lên cái hang này.
Ông Đàn chợt nhớ lại câu chuyện cách đây 15 năm. Đợt ấy, ông vào bản người Rục để phụ giúp xây nhà mới. Bản làng đó cách vị trí quả núi có hang động chưa đến 2km. Quá trình tháo dỡ nhà, người ta phát hiện một tấm giấy dầu nhỏ, cũ kỹ, được cuộn tròn, dắt trên gác mái. Mở ra, ông Đàn cùng mọi người ngạc nhiên khi thấy hình tựa như mấy quả núi, kèm theo những nét vẽ lúc ngang lúc thẳng đứng, có chỗ lại giống như những ký tự trong hang đá.
Lúc đó, không hiểu được nội dung trên tấm giấy, lại nghĩ là trò đùa, nên mọi người đã vứt bỏ. “Rất có thể tờ giấy đó có liên quan đến cái hang này, và đó là sơ đồ chỉ dẫn”, ông Đàn khẳng định.
Hai đốm sáng lạ trong hốc đá |
Anh thanh niên người Rục đánh bạo vác đèn chui vào hốc đá đó. Anh trở ra cùng mấy chiếc răng lớn. Quan sát kỹ, nó giống như từ một bộ hàm bị vỡ ra thành nhiều mảnh, có cái đã xỉn màu, cái thì trắng bóc, cái như hóa thạch.
Mọi người đều khẳng định những cái răng đó to hơn hẳn so với răng người bình thường, cỡ phải như răng của tinh tinh hoặc của gấu. Nhưng nếu đúng là của mãnh thú, thì chúng làm cách nào để leo lên, lọt được vào hang?
Anh thanh niên người Rục cho biết, ở địa điểm phát ra hai đốm sáng, không thấy có điều gì khác lạ ngoài việc nhặt được những chiếc răng. Anh tìm mãi cũng không thấy có xương cốt.
Những chiếc răng lạ tìm thấy trong hang |
Chúng tôi quyết định ngừng chuyến thám hiểm bởi cảm thấy không còn đủ sức đi tiếp nữa. Xem đồng hồ thì đã quá 5h chiều.
“Người rừng” Đinh Hồng Nhâm khẳng định sẽ tiếp tục những chuyến đi để có thể tìm ra câu trả lời cho những gì đã gặp trong hang động này. Ngoài ra, ông cho biết, ông có nghe thông tin về một hệ thống hang động có 18 bức tượng đá, do một sơn tràng đi lạc vô tình tìm ra.
Núi rừng Minh Hóa vẫn còn rất nhiều bí ẩn cần khám phá.
Hải Minh
Bình luận