• Zalo

Thời tiết nồm ẩm, trẻ dễ ốm, làm gì để phòng bệnh?

Tin tứcThứ Ba, 11/04/2023 08:10:06 +07:00Google News
(VTC News) -

Thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi để các virus gây bệnh đường hô hấp, sốt phát ban, sởi, thủy đậu, Rubella phát triển, vậy cần làm gì để phòng bệnh?

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai), trẻ em là đối tượng đầu tiên dễ bị ảnh hưởng sức khoẻ do thời tiết. Thay đổi thời tiết, trời lạnh quá hay nồm ẩm như hiện nay, trẻ rất dễ ốm do sức đề kháng kém, đặc biệt là trẻ có cơ địa dị ứng với thời tiết.

Trường hợp nặng buộc phải nhập viện điều trị, còn trường hợp nhẹ trẻ không cần thiết phải nhập viện mà sẽ được bác sỹ hướng dẫn theo dõi, điều trị tại nhà”- chuyên gia Nhi khoa nói.

Nền nhiệt độ ẩm thấp tạo điều kiện cho các virus gây bệnh đường hô hấp, sốt phát ban, sởi, thủy đậu, rubella phát triển... Khi trẻ mắc bệnh nếu không điều trị sớm, virus vào phổi có thể gây suy hô hấp rất nhanh. Nấm mốc phát triển khi trời nồm ẩm, không khí ẩm bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu khiến nhiều người dễ bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp làm cho xuất hiện các cơn hen suyễn.

Với trẻ cơ địa dị ứng, bị hen phế quản rất dễ lên cơn hen trong thời tiết này do tác động của không khí ẩm, thêm tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà.

Thời tiết nồm ẩm, trẻ dễ ốm, làm gì để phòng bệnh? - 1

Trẻ em là đối tượng đầu tiên dễ bị ảnh hưởng sức khoẻ do thời tiết. (Ảnh: AN BÌNH)

Thời tiết trời nồm ẩm, việc bảo quản thực phẩm, thức ăn không đúng cách cũng dễ bị ôi thiu, khi trẻ ăn phải sẽ gặp các rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy...

Bên cạnh đó, trời nồm, trẻ có thể ra nhiều mồ hôi vào ban đêm, khó ngủ hơn vì thế sức đề kháng cũng kém và dễ ốm. Cha mẹ cần để ý để lau mồ hôi cho trẻ kịp thời và mặc đồ thoáng mát, tránh tình trạng ủ ấm quá trẻ sẽ ra nhiều mồ hôi và thấm ngược lại vào cơ thể gây viêm phổi. “Ban đêm trẻ hay ra mồ hôi, cha mẹ cần thấm nước lau mồ hôi vùng đầu, lưng, gáy, lòng bàn tay, gan bàn chân” - bác sĩ Nam lưu ý.

Chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai cũng khuyến cáo, để giữ gìn sức khỏe tốt, mọi người cần tạo môi trường sống sạch, vệ sinh nhà cửa, giữ sạch môi trường sống cũng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Các gia đình nên sử dụng máy hút ẩm để tạo độ khô ráo, sấy thật khô quần áo để tránh tạo điều kiện nấm mốc phát triển. Với những vật dụng mà trẻ hay tiếp xúc, cha mẹ cần giặt giũ thường xuyên, phơi phóng khô ráo. Trong phòng ngủ của trẻ nên dùng máy hút ẩm, quần áo khi mặc nên sấy, là khô, nhằm loại bỏ những dị nguyên có thể gây cơn hen phế quản cho trẻ.

Khi thấy trẻ mắc bệnh đường hô hấp với các dấu hiệu ho, sốt, sổ mũi, khó thở… cha mẹ cần cho trẻ đi khám bệnh kịp thời với các bác sỹ chuyên khoa. Trong quá trình điều trị cần tăng cường dinh dưỡng cho trẻ để nâng cao sức để kháng, vệ sinh mũi họng sạch sẽ tránh mầm bệnh còn lưu trong cơ thể lâu hơn.

Theo cơ quan khí tượng, thời tiết phía Đông Bắc Bộ sắp bước vào đợt mưa phùn, nồm ẩm kéo dài 3-4 ngày. Cụ thể, từ 10-13/4, khu vực này đêm và sáng có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù rải rác; độ ẩm trong không khí cũng tăng cao.

Hiện tượng mưa phùn, nồm ẩm ở miền Bắc đang diễn ra theo đúng như quy luật các năm. Dự kiến, hiện tượng nồm ẩm sẽ duy trì ở miền Bắc trong vài ngày đầu tuần trước khi một đợt không khí lạnh mới tác động đến khu vực này. 

Nồm ẩm là kiểu thời tiết thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn, nấm gây bệnh phát triển mạnh… khiến nhiều người bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp.

AN BÌNH
Bình luận
vtcnews.vn