Theo thông tin ngày 11/6 từ Đài Khí tượng Tân Cương, miền Tây Bắc Trung Quốc, hầu hết các khu vực tại đây nhiệt độ từ 35°C-37°C. Sườn phía Bắc núi Thiên Sơn, thành phố Turpan và một phần của thành phố Hami nền nhiệt lên tới trên 40°C, một số nơi ở Turpan thậm chí đạt mức 45°C. Ngày 11/6 đã trở thành ngày nóng nhất của đợt thời tiết nhiệt độ cao lần này tại Tân Cương.
Trong khi đó, theo mạng Thời tiết Trung Quốc, ngày 10/6, nhiệt độ cao nhất ở huyện Toksun của Tân Cương lên tới 46,4°C, lập kỷ lục tại các trạm thời tiết cấp quốc gia trong năm nay.
Không chỉ vậy, nhiều khu vực ở Tứ Xuyên, miền Tây Nam; Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, miền Trung và An Huy, Thượng Hải, Giang Tô, miền Đông Trung Quốc cũng có nhiệt độ cao từ 35°C trở lên.
Dự báo, trong tuần này, nhiều khu vực miền Bắc nước này cũng sẽ phải trải qua một đợt nắng nóng. Hình thái thời tiết nhiệt độ cao đến sớm đồng nghĩa với việc thời kỳ tiêu thụ điện cao điểm có thể kéo dài hơn ở Trung Quốc trong năm nay.
Theo Cục Năng lượng Quốc gia và Hội đồng Điện lực Trung Quốc (CEC), phụ tải điện quốc gia cao nhất của nước này năm 2023 vào khoảng 1,37 tỷ KW, tăng khoảng 80 triệu KW so với năm 2022. Tuy nhiên, nếu thời tiết cực đoan kéo dài trên diện rộng, con số này có thể tăng lên gần 100 triệu KW so với năm 2022.
Hôm 1/6, Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước của chính phủ Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp chuyên đề về cung cấp điện và năng lượng trong thời kỳ cao điểm mùa hè, kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất và phát điện nhiều nhất có thể, đồng thời đảm bảo an toàn lưới điện và nguồn điện phục vụ dân sinh, nỗ lực hết sức đảm bảo cung cấp năng lượng và điện năng an toàn, tin cậy trong thời kỳ cao điểm mùa hè.
Không chỉ nắng nóng, mưa lũ cũng là hiểm họa thời tiết khắc nghiệt đang hoành hành tại nhiều địa phương ở Trung Quốc. Các khu vực ở miền Nam và Đông Trung Quốc đã trải qua những đợt mưa lớn kéo dài suốt những ngày qua. Hôm qua (11/6), mưa lớn xối xả đã xảy ra tại một số khu vực ở Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam, miền Nam nước này.
Từ ngày 7-10/6, một đợt mưa lớn kéo dài hiếm gặp đã tấn công thành phố Bắc Hải, Quảng Tây và các huyện lân cận, lượng mưa tích lũy vượt 500 mm. Đây là lượng mưa lớn nhất trong lịch sử được ghi nhận tại đây. Hơn 2.600 người đã phải di dời khẩn cấp.
Tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc cũng có mưa lớn kéo dài. Theo Đài Khí tượng tỉnh này, giông lốc, gió lớn và mưa đá cục bộ đã xảy ra từ Bắc xuống Nam ở khu vực phía Bắc và dọc sông Dương Tử đoạn tại Giang Tô bắt đầu từ ngày 10/6. Trong khi đó, ít nhất 3 người đã thiệt mạng ở thành phố Vu Hồ, tỉnh An Huy, cũng ở miền Đông Trung Quốc.
Sáng nay (12/6), Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc tiếp tục ra cảnh báo mưa lớn trong 2 ngày tới. Dự báo, khu vực miền Bắc, Đông Bắc, miền Đông và Nam nước này sẽ có mưa rào hoặc dông, kèm theo thời tiết đối lưu mạnh như mưa lớn trong thời gian ngắn, giông, gió hoặc mưa đá ở một số địa phương.
Trong một cuộc họp ngày 10/6, các cơ quan phòng chống thiên tai và quản lý khẩn cấp của Trung Quốc đánh giá, tình hình phòng chống lũ ở nước này không mấy lạc quan, đồng thời dự báo các con sông như Châu Giang, Mân Giang ở miền Nam có thể xảy ra lũ lớn.
Theo dự báo của các chuyên gia Trung Quốc, hình thái thời tiết khắc nghiệt có thể sẽ là xu hướng khí hậu trong tương lai.
Bình luận