Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong những ngày cuối tháng 7, trên khu vực Bắc Biển Đông khả năng cao hình thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). ATNĐ có thể mạnh lên thành bão, di chuyển về phía đất liền trong những ngày đầu tháng 8.
Từ 28/7, trên vùng biển phía nam (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), gió mùa Tây Nam sẽ hoạt động mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, sau tăng lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Sóng biển cao 2-3m. Biển Động.
Trên đất liền, khu vực Bắc Bộ những ngày tới có mưa rào và dông cục bộ tập trung vào chiều tối và tối, ngày trời nắng. Các tỉnh vùng núi có mưa to đến rất to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Đầu tháng 8, trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình, sông Hoàng Long sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-4m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Thao có khả năng lên mức BĐ1.
Với các tỉnh Trung Bộ, nắng nóng sẽ tiếp diễn đến cuối tháng. Từ nay đến cuối tháng 7, trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ, lượng dòng chảy tiếp tục suy giảm, thiếu hụt, mực nước tiếp tục xuống mức thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ những ngày tới có mưa rào và dông vài nơi. Cuối tháng 7, mưa dông tăng lên, có nơi mưa vừa đến mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Lượng dòng chảy trên các sông Tây Nguyên ở mức thiếu hụt so với TBNN. Mực nước các hồ chứa ở Tây Nguyên ở mức thấp, một số hồ chứa xấp xỉ mực nước chết như Sê San 4, Buôn Tua Srah.
Mực nước sông Mê Công tiếp tục lên và vẫn ở mức thấp hơn TBNN từ 2-6m, lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn từ 30-60% so với TBNN, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 từ 50-75%. Mực nước sông Cửu Long sẽ lên dần do ảnh hưởng của tuyến trên kết hợp với kỳ triều cường.
Bình luận