Đúng như dự đoán, thỏa thuận đạt được giữa Thủ tướng Theresa May và Liên minh châu Âu đã không thể vượt qua cửa Nghị viện Anh trong cuộc bỏ phiếu diễn ra hôm 15/1. Điều này cũng đồng nghĩa với một sự không chắc chắn đối với tương lai Chính phủ của Thủ tướng May, cũng như toàn bộ tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit. Liên minh châu Âu và lãnh đạo các nước thành viên cũng ngay tức đưa ra những cảnh báo.
10 tuần trước khi Anh chính thức rời Liên minh châu Âu vào ngày 29/03 tới, các nghị sĩ Anh đã đóng sập hoàn toàn cánh cửa đối với thỏa thuận Brexit đạt được giữa Thủ tướng Theresa May và các nhà lãnh đạo châu Âu sau nhiều tháng đàm phán khó khăn. Tại một Nghị viện Anh luôn trong tình trạng “quá nóng” những tuần qua, 432 trên tổng số 650 nghị sĩ đã quyết định chọn nói “không” với văn kiện.
Đây là kết quả của liên minh giữa 3 lực lượng đối lập song với những mục tiêu rất khác nhau: những người Công đảng luôn muốn bà May phải ra đi nhằm thúc đẩy các cuộc bầu cử sớm và trở thành lực lượng lãnh đạo, những người ủng hộ Liên minh châu Âu hi vọng có thể tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ 2 về Brexit và cuối cùng là những người ủng hộ một Brexit cứng, tức là một sự cắt đứt hoàn toàn với Liên minh châu Âu.
Quy mô của lần thất bại này lớn hơn nhiều so với những dự báo đáng báo động nhất đưa ra trước đó đối với Thủ tướng May. Điều này đồng nghĩa với việc mọi nỗ lực hòng vãn hồi cục diện đều trở nên vô ích và không đủ để làm thay đổi ý kiến của các nghị sĩ như sự kỳ vọng của vị nữ Thủ tướng. Phát biểu ngay sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Theresa May tuyên bố, nếu phe đối lập đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm và các nghị sĩ vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào bà, nhà lãnh đạo nước Anh sẽ tìm kiếm một giải pháp khác cho vấn đề Brexit, một giải pháp có thể tập hợp được thế đa số.
“Các nghị sĩ đã đưa ra câu trả lời của mình và chính phủ sẽ lắng nghe. Kết quả cuộc bỏ phiếu đã nói với chúng ta về điều mà các nghị sĩ không muốn, song mặt khác lại cũng không nói lên điều mà họ ủng hộ là gì. Không một biện pháp nào được đưa ra để cụ thể hóa quyết định của người dân Anh và cũng không có một tuyên bố rõ ràng cho thấy họ muốn duy trì hay không kết quả cuộc trưng cầu ý dân. Cả công dân Anh và Liên minh châu Âu đều xứng đáng nhận được câu trả lời rõ ràng", Thủ tướng Anh nói.
Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn cũng ngay lập tức thông báo đã gửi yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ của bà Theresa May tại Nghị viện. Theo ông, kết quả cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua là “một thất bại thảm họa”:
“Kết quả cuộc bỏ phiếu là thất bại lớn nhất tại Nghị viện đối với một chính phủ kể từ những năm 1920. Đây là một thất bại thảm họa. Sau hai năm đàm phán thất bại, Hạ viện đã đưa ra phán quyết về thỏa thuận Brexit và phán quyết này là rất rõ ràng.”
Ngoài ông Corbyn, yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà May hiện đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo các đảng Dân chủ tự do, đảng Dân tộc Scotland, đảng Plaid Cymru của xứ Wales và đảng Xanh. Theo Chủ tịch Hạ viện Andrea Leadson, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sẽ diễn ra ngay trong ngày hôm nay 16/1.
Dù ít có khả năng phe đối lập huy động được đủ thế đa số để lật đổ Thủ tướng May, song quy mô thất bại của lần bỏ phiếu này lại lớn đến mức có thể tạo ra “những động lực mới”. Cuộc bỏ phiếu đã cho thấy, từ nay tại nước Anh, tất cả đều có thể cả đối với nền chính trị lẫn tương lai tiến trình Brexit. Đây cũng là điều mà các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu lo ngại và dù thất vọng, song vẫn quyết tâm duy trì sức ép với nước Anh.
Theo Nhà đàm phán hàng đầu Liên minh châu Âu Michel Barnier, quả bóng hiện nằm trên sân nước Anh. Chính phủ nước này sẽ phải thông báo bước đi tiếp theo. Liên minh châu Âu sẽ vẫn đoàn kết và quyết tâm tìm kiếm một thỏa thuận.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean- Claude Juncker thì cảnh báo, việc Nghị viện Anh bác bỏ thỏa thuận đã làm gia tăng nguy cơ một sự chia tay không có thỏa thuận. Chia sẻ quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thay mặt lãnh đạo các nước thành viên cảnh báo về một cuộc chia tay “nhiều sóng gió”. Tuy nhiên, theo ông, Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục quá trình phê chuẩn thỏa thuận và đây là “cách tốt nhất, cũng như là duy nhất” để đảm bảo cho một tiến trình Brexit có trật tự.
Bình luận