Theo chân "thợ" săn muỗi ở TP.HCM.
Hơn chục năm công tác tại Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), anh Trần Đăng Khoa không nhớ hết những lần đi săn muỗi cùng đồng nghiệp.
Vén quần, anh Khoa chỉ vào những vết muỗi đốt chi chít ở chân. Anh chia sẻ, việc ngồi im trong tối, làm mồi nhử cho muỗi tới đốt cũng có "thú vui". Muỗi đậu lên chân thì nhiều, nhưng bắt được muỗi Anopheles mang về là chuyện không dễ.
Ngồi im làm mồi nhử
16h30, xe chở nhóm bắt muỗi xuất phát từ trung tâm TP.HCM. Địa điểm đến bắt muỗi lần này là xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ. Khoảng hơn 18h, cả đội có mặt tại trạm y tế xã Lý Nhơn, hoàn tất các thủ tục trước khi di chuyển về phía bìa rừng phòng hộ Cần Giờ.
Vừa đi, anh Khoa vừa trò chuyện về công việc săn muỗi. Theo anh, việc bắt muỗi tại các địa điểm đã từng phát hiện dịch sốt rét để phân tích, đánh giá, phục vụ cho công tác phòng chống sốt rét hàng năm.
Đây là công việc thường xuyên, thầm lặng của các nhân viên HCDC mà ít người biết đến. Nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì rất dễ lây truyền bệnh sốt rét do bị muỗi Anopheles đốt.
Xắn quần áo lên, một phần chân tay để lộ ra ngoài với những vết muỗi đốt chồng lên nhau, anh Khoa nói: “Ai cũng có thể làm mồi để muỗi đốt, vì ai muỗi cũng thích đốt mà, nhưng cũng có những hôm… ế muỗi, hôm sau phải đi bắt cho đủ số lượng”.
Theo kinh nghiệm của những "thợ” săn muỗi lành nghề, 20h là thời điểm muỗi Anopheles hoạt động mạnh nhất. Vì vậy, họ luôn căn thời gian hợp lý để bắt muỗi bằng phương pháp “mồi người”. Dụng cụ bắt muỗi rất đơn giản, ống nghiệm nhét bông gòn, máy hút muỗi, đèn pin… và “mồi người”.
Di chuyển khoảng 30 phút, cả đội đến căn chòi nhỏ ngay bìa rừng phòng hộ. Căn chòi này ban ngày bán nước cho khách qua đường, đêm đến là chỗ dừng chân của đội HCDC để thực hiện phương pháp dùng người làm mồi nhử muỗi.
Tới nơi, chị Nguyễn Khánh Linh và Trần Thúy Loan - nhân viên Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính HCDC vào việc.
Họ ngồi im lặng, mỗi người ở một góc, nơi ngược gió, xắn quần và áo lên, một phần chân tay để lộ ra ngoài và chờ muỗi tới đốt.
5 phút, 10 phút trôi qua, muỗi đậu lên chân thì nhiều, nhưng không đúng chủng loại yêu cầu. Ngoài muỗi Anopheles, nhiều loại muỗi khác cũng đều bị thu hút bởi “mồi người”.
Khoảng 20 phút sau, cả đội bắt được con muỗi Anopheles đầu tiên.
Theo chia sẻ của nhân viên HCDC, muỗi Anopheles hoạt động mạnh từ 19h đến 22h, trung bình mỗi buổi đi, đội sẽ bắt được khoảng 50 con.
Thời tiết tốt có thể bắt được hơn, nhưng thời tiết xấu, mưa gió thì có khi không bắt được, hôm sau lại phải đi bù để đáp ứng đủ số lượng đem về phục vụ công tác nghiên cứu.
Theo chị Trần Thúy Loan, phải mất thời gian đi làm thực tế, được hướng dẫn kỹ thì mới bắt muỗi được. Để chân cho muỗi đốt thì dễ nhưng bắt muỗi trúng và đúng thì cần có kỹ thuật và kinh nghiệm. “Nếu nó vừa đậu, mình chụp ngay là nó bay mất, nhưng nếu để nó hút máu lâu quá thì lại đau và ngứa”, chị Loan chia sẻ.
Vừa nói, chị Loan vừa lấy ống nghiệm, nhét 1 đầu bông gòn lại, sau đó đặt lên vị trí muỗi đang đốt ở chân để muỗi chui vào ống. Kế đến, chị Loan lại lấy một ít bông gòn vo viên nhỏ và nút lại ở giữa tuýp rồi tiếp tục bắt con khác. Mỗi ống nghiệm này "nhốt" được khoảng 4 con muỗi.
Vừa thao tác nhốt muỗi, chị Loan kể: "Đi làm vui lắm. Nhất là lúc về, ngồi trên xe cả đoạn đường về lại cơ quan, ai cũng gãi sột soạt. Mà mỗi con muỗi đốt khác nhau, có con đốt đau, có con đốt thì ngứa. Đôi lúc không đốt mà bò bò trên chân, cũng nhột nữa".
Tìm muỗi nơi chuồng bò
Ngoài việc bắt muỗi bằng phương pháp thủ công, nhân viên HDCD cũng thực hiện song song với việc bắt muỗi bằng máy.
Trong đêm, đoàn bắt muỗi có mặt tại gia đình một người dân tại xã Lý Nhơn, với điểm đến cuối cùng là chuồng bò của gia đình. Ở đây, đoàn bắt muỗi bằng máy tự chế.
Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, nhận thấy phương pháp bắt muỗi thủ công dù hiệu quả nhưng lại tốn thời gian, công sức, nên anh Khoa đã mày mò để tạo ra máy hút muỗi.
Chiếc máy này giúp nhân viên săn muỗi tiết kiệm được thời gian, hiệu quả hơn và nhất là tiết kiệm chi phí. Bởi trên thị trường hiện nay, máy hút muỗi có giá gấp 5 – 6 lần so với chiếc mà anh Khoa làm ra.
Lấy từ trong túi ra chiếc máy nhỏ, anh Khoa vừa lắp vừa chỉ cho chúng tôi: “Khi bật công tắc lên, muỗi sẽ được hút vào, phía trong có lớp lưới cản muỗi lại.
Sử dụng lực hút vừa phải để hút muỗi và không gây tổn thương gì cho muỗi, đảm bảo muỗi còn sống. Sau khi không sử dụng nữa, sẽ đóng nắp để muỗi không bay ra, trên nắp có những lỗ nhỏ để đảm bảo cho muỗi còn sống đem về phân tích”.
Cầm máy hút muỗi di chuyển về phía chuồng bò. Mùi hôi bốc lên trên nền đất lấp xấp nước, lẫn phân gia súc nhưng các nhân viên HCDC chẳng nề hà gì, họ vừa đi vừa vui vẻ trò chuyện.
Theo anh Khoa, bắt muỗi trong chuồng gia súc đòi hỏi kỳ công hơn, phải tỷ mẩn soi đèn từng chút một trên lưới che chuồng gia súc.
Muỗi ở đây rất nhiều tuy nhiên không phải muỗi nào cũng bắt. Theo chia sẻ của đội bắt muỗi, chỉ bắt đúng loại muỗi Anopheles để về phục vụ phân tích bệnh sốt rét.
Vừa soi đèn, anh Khoa kể: "Mỗi lần tôi đi bắt muỗi, bạn bè hay rủ làm vài lon bia hay đôi ba ly rượu để "thịt thơm", muỗi sẽ thích mà đến nhiều hơn. Sự thật thì đúng là khi cơ thể mình có bia rượu, sẽ thu hút được muỗi. Tuy nhiên, người tôi có lẽ đủ thơm và có "sức hút" đối với muỗi rồi nên chẳng bao giờ cần phải sử dụng đến rượu bia cả. Nhất là trong giờ làm việc, để phân biệt muỗi trong điều kiện ánh sáng kém, cần phải tỉnh táo để bắt đúng muỗi Anopheles”.
Tới sát khu vực "đi săn", các thành viên của đội bắt muỗi chỉ cho chúng tôi cách phân biệt muỗi.
Nhìn thấy con muỗi Anopheles, anh Khoa vừa chỉ tay vừa nói về đặc tính riêng của nó.
“Muỗi này khi đậu, sẽ chúc đầu xuống, và thường đậu ở tầm ngang người mình xuống thấp chứ không đậu trên cao. Hình dáng của muỗi Anopheles cũng lạ. Chúng có kích thước nhỏ, trên cánh muỗi có các vẩy đen trắng, bụng ngửa lên trên và chiều dài thân bằng với chiều dài của vòi”.
Bắt muỗi tại chuồng gia súc đòi hỏi sự chú tâm, tận tụy với công việc và nhất là sự can đảm. Bởi lẽ người bắt muỗi sẽ rất nguy hiểm nếu không may trong đàn trâu, bò có những con hung dữ, khi thấy người, chúng sẽ tấn công.
Quá 23h, số lượng “muỗi xịn” Anopheles bắt được cũng tương đối đủ, cả đoàn thu dọn ghế và dụng cụ chuẩn bị ra về.
Chúng sẽ được cán bộ HCDC đưa về khoa để nghiên cứu, phân tích về định dạng muỗi, thành phần loại nhằm phục vụ tốt công tác cảnh báo và phòng chống sốt rét trên địa bàn.
Thạc sỹ Mai Xuân Phán, Phó trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính (HCDC) cho biết, bệnh sốt rét đã được loại trừ trên địa bàn TP.HCM.
Tuy nhiên, công tác phòng chống sốt rét không được phép lơ là, chủ quan vì chỉ cần có 1 bệnh nhân đã có thể làm nguồn truyền bệnh cho rất nhiều người và nếu không phát hiện kịp thời thì nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn.
Theo ThS Phán, ở TP.HCM có một số nơi dịch sốt rét đã từng lưu hành. Theo kế hoạch mỗi tháng, nhân viên chuyên trách sẽ đến đây bắt muỗi 4 đợt, mỗi đợt sẽ đi 2 ngày/tuần. Định kỳ, HCDC phải tổ chức bắt muỗi tại các địa điểm để phân tích, đánh giá, phục vụ cho công tác phòng chống sốt rét hàng năm.
Các nhân viên chuyên trách có thể dùng những phương pháp khác nhau để bắt muỗi ở các khu vực khác nhau như: Bắt muỗi trú đậu trong nhà ban ngày và ban đêm, ở ngoài nhà ban ngày, ở chuồng gia súc ban đêm; dùng bẫy đèn, bẫy màn bắt muỗi; đặc biệt là lấy thân mình làm mồi để bắt muỗi ban đêm để bắt.
Trước đây, người làm mồi và người đi bắt muỗi đêm được hỗ trợ 130.000 đồng/người/đêm theo quy định tại Mục c, Khoản 3, Điều 5 Thông tư 26/2018 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, hiện nay Thông tư này đã hết hiệu lực nên TP.HCM đưa ra đề xuất hỗ trợ và vừa được HĐND TP thông qua hồi tháng 9/2023.
Bình luận