• Zalo

Thổ Nhĩ Kỳ không vội rời NATO, nhưng ngày càng xa cách phương Tây

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 21/12/2019 23:24:21 +07:00Google News
(VTC News) -

Dù đe dọa chặn quyền truy cập của Mỹ vào các căn cứ quân sự, nhưng Ankara sẽ không rời NATO mà sử dụng liên minh như đòn bẩy trong tranh chấp với Washington.

Chỉ mới vài tuần trôi qua kể từ hội nghị thượng đỉnh London, NATO “giấu đi những tranh chấp nội bộ dưới tấm thảm”. Giờ đây, “sự tranh cãi được khơi lại” giữa Washington và Ankara đang báo hiệu những nguy cơ lâu dài cho liên minh - tờ Bloomberg viết.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc Mark Esper mới đây nói rằng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương sẽ buộc phải đưa ra bàn vấn đề cần phải làm gì với Thổ Nhĩ Kỳ, nếu Ankara thực hiện đúng lời đe dọa và không cho phép người Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước này.

Theo đại diện của trụ sở NATO tại Brussels, hiện chưa có bất cứ ai thảo luận về mối đe dọa đóng cửa các căn cứ, chứ đừng nói đến việc khai trừ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi liên minh. Nhưng việc thách thức qua lại giữa ông Esper và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại rằng, khối quân sự phương Tây có thể đang tiến tới một cuộc đối đầu thậm chí còn gay gắt hơn với Ankara.

Tất cả các bên đều hiểu rằng, “việc giữ Thổ Nhĩ Kỳ ở lại NATO là vì lợi ích chung” - cựu Phó Tổng thư ký liên minh Alexander Vershbow nói. Và điều này là bất chấp thực tế rằng, Ankara thực sự đang không hài lòng, cảm thấy NATO không dành sự quan tâm đúng mức tới các mối quan ngại về an ninh của nước này, còn liên minh thì phẫn nộ trước “phi vụ mua bán mang tính khiêu khích” của ông Erdogan liên quan đến các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ không vội rời NATO, nhưng ngày càng xa cách phương Tây - 1

Các hệ thống tên lửa phòng không S-400 sẽ được tích hợp vào hệ thống phòng thủ Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 4. (Ảnh: TASS)

Theo ông Vershbow, trong mọi trường hợp, Hiệp ước NATO không cho phép khai trừ thành viên trái với ý muốn của mình. Điều này giải thích tại sao liên minh lại cố gắng làm dịu đi sự khác biệt giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh London.

Nhưng điều này không có nghĩa là căng thẳng đã biến mất: một ngày khác, các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu đã thảo luận về sự phức tạp của mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng danh sách các hành động có thể thực hiện có vẻ như rất hạn chế - ấn phẩm lưu ý.

Không còn ai nhắc đến biện pháp trừng phạt về xuất khẩu vũ khí nữa” -  Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov cho biết tại hội nghị thượng đỉnh, khi ngụ ý đến những hạn chế mà EU đã đưa ra để phản ứng lại chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Chính trị gia viện dẫn sự cần thiết phải duy trì một thỏa thuận, trong đó ông Erdogan có trách nhiệm ngăn chặn dòng người tị nạn Syria đổ vào châu Âu - Bloomberg cho biết.

Trước đó, ông Erdogan đe dọa sẽ đóng cửa 2 căn cứ quân sự nếu Quốc hội Mỹ thông qua luật xem xét các biện pháp trừng phạt đối với giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, các công ty năng lượng và ngân hàng hỗ trợ cho chiến dịch của ông ở Syria. Mối đe dọa này, rõ ràng, không cho thấy vị Tổng thống này sẵn sàng cắt đứt quan hệ với NATO, mà nói lên mong muốn sử dụng liên minh này như một đòn bẩy trong tranh chấp song phương với Washington - ấn phẩm lập luận.

Trong số các căn cứ mà ông Erdogan gọi tên – căn cứ không quân Incirlik và Trạm radar Kurecik, không có cơ sở nào là căn cứ của NATO. Ngoài ra, ông cũng không đe dọa đóng cửa trụ sở chỉ huy lực lượng mặt đất của liên minh trên bờ biển Aegean của Thổ Nhĩ Kỳ - Bloomberg nhấn mạnh.

Mỹ có thể sử dụng Incirlik và Kurecik, nhưng mỗi nhiệm vụ đều phải được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn. Người Mỹ thường không nhận được sự cho phép tiến hành ném bom ở Iraq và Syria từ Incirlik, do đó nhiều máy bay của Không quân Mỹ đã được chuyển đến Jordan và Vịnh Ba Tư.

Trước đây, căn cứ Incirlik có tầm quan trọng rất lớn, nhưng bây giờ nó chỉ hoạt động như “một kho lưu trữ” dùng cho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ và là trung tâm trung chuyển để triển khai hoạt động ở Afghanistan. Cả hai chức năng này đều có thể được chuyển cho nơi khác - ông Aaron Stein, giám đốc chương trình Trung Đông tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại có trụ sở tại Washington, cho biết.

Trong khi đó, việc trục xuất nhân viên Mỹ khỏi Kurecik lại mang lại những hệ quả đáng kể hơn đối với liên minh, bởi tại đây có triển khai hệ thống radar cực kỳ quan trọng do Mỹ vận hành, nhờ nó mà có thể phát hiện bất kỳ vụ phóng tên lửa đạn đạo nào từ Iran. Không một thành viên NATO nào có thể cung cấp địa điểm hiệu quả hơn để triển khai hệ thống này - ấn phẩm nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Stein, sự sẵn sàng của ông Erdogan để chơi trò chơi “ai là kẻ hèn nhát trước” còn quan trọng hơn bất kỳ căn cứ nào. Điều này chỉ xác nhận rằng, “mối quan hệ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và NATO là hợp nguyện vọng, nhưng không còn cần thiết nữa”.

Cuối cùng, ông Erdogan sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn. Ông ấy có thể nhượng bộ hoặc thực hiện lời đe dọa của mình và đóng cửa căn cứ, và điều này sẽ tạo ra “vòng xoáy trả thù” mới - Bloomberg nhận định.

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia sở hữu đội quân trong NATO lớn thứ hai sau Mỹ, cho biết họ sẽ đưa S-400 vào hệ thống phòng thủ vào tháng 4. Nước này cũng đưa ra yêu sách lãnh thổ ở biển Địa Trung Hải để ngăn chặn việc ra mắt đường ống khí đốt tự nhiên do Mỹ hỗ trợ từ các mỏ của Israel và Síp. Việc gia tăng căng thẳng bất cứ vấn đề nào ở đây cũng có thể buộc nhà lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ Mitch McConnell phải đưa ra một dự luật về các biện pháp trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù bây giờ ông không muốn làm điều này, - ấn phẩm tin tưởng.

Trước đây, Ankara đã từng xung đột với Mỹ và châu Âu về các vấn đề nghiêm trọng tương tự, trong đó có cuộc xâm chiếm Bắc Síp của nước này vào năm 1974. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại “đã không còn phụ thuộc vào hỗ trợ tài chính hay nhập khẩu vũ khí của phương Tây, và cũng đang tìm kiếm một vai trò độc lập hơn, khi thường xuyên đối đầu với các chính sách của Mỹ và châu Âu” - theo Bloomberg.

Trong suốt 5 năm, Washington luôn đưa ra một lập luận nào đó, khi thì Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ không mua S-400, khi thì họ thực sự sẽ không tấn công Syria. Nhưng rồi sau đó Thổ Nhĩ Kỳ lại làm thật. Có lẽ, chúng ta đang bỏ qua tình huống này, có lẽ, đó chỉ là những đe dọa trống rỗng, nhưng có một xu hướng, và tôi thấy không có bằng chứng nào cho thấy ông Erdogan muốn đảo ngược xu hướng này” - ông Stein kết luận.

Văn Đức(Nguồn: Bloomberg)
Bình luận
vtcnews.vn