(VTC News) – Hôm 24/6, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi các thành viên khối Nato họp gấp để bàn về giải pháp đối phó trước hành động Syria bắn rơi một máy bay quân sự của nước này vào hôm thứ Sáu tuần trước.
Các quan chức Thổ Nhĩ kỳ cho biết theo Điều 4, Hiến chương của NATO, một cuộc họp bàn khẩn cấp là cần thiết trong trường hợp quốc gia thành viên cảm thấy an ninh của họ đang bị đe dọa.
Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, Chủ nhật (ngày 24/6), kênh truyền hình TRT của Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên đưa tin nước này đã tìm thấy mảnh vỡ của chiếc phản lực bị Syria bắn hạ hôm 22/6.
Theo đó, xác chiếc máy bay F-4 Phantom đã được phát hiện trên biển Địa Trung Hải ở độ sâu từ 1000 – 1300m. Hiện lực cứu hộ của cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vẫn đang tiếp tục tìm kiếm hai phi công bị mất tích trong vụ tấn công.
Cũng theo truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, chiếc phản lực cơ F-4 Phantom của nước này đã biến mất khỏi radar quan sát khi bay trên biển Địa Trung Hải, gần bờ biển Syria từ lúc 9h sáng (theo giờ quốc tế) vào hôm thứ sáu tuần trước.
Phản lực cơ F-4 Phantom của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ |
Trước sự việc, chính quyền Damascus một mực khẳng định chiếc máy bay bị bắn hạ là do đã vi phạm không phận Syria. Vì vậy, hành động tấn công máy bay ‘lạ’ chỉ đơn thuần là hành động tự vệ chính đáng chứ không nhằm mục đích gây hấn quân sự.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu hôm 24/6 đã lên tiếng cáo buộc Syria bắn rơi máy bay của họ trong không phận quốc tế trước khi nó rơi xuống vùng biển thuộc lãnh hải của Syria.
“Chiếc máy bay trinh sát của Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó đang diễn tập và bay thử nghiệm nhằm tăng cường khả năng kiểm soát hoạt động của sóng radar quốc tế chứ không hề nhằm vào Syria” – ông Ahmet Davutoglu nói.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết phía Syria đã không hề đưa ra bất cứ lời cảnh báo nào trước khi tấn công chiếc phản lực F-4 Phantom của nước này vào hôm 22/6.
Theo ông Davutoglu: “ Lẽ ra, trước tiên họ phải phát đi tín hiệu cảnh báo. Trong trường hợp nhận thấy đối phương không ‘biết điều’ thì mới tới bước phái máy bay của mình bám sát, ra hiệu lệnh khẩn cấp và buộc máy bay kia phải hạ cánh.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang băn khoăn tại sao Syria có thể phản ứng như vậy khi chiếc F-4 của chúng tôi không hề trang bị vũ khí, hơn nữa lại bay một mình và hoàn toàn có thể xác định được nó mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ.”
Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đã trình lên Hội đồng Bắc Đại Tây Dương đề nghị việc tổ chức một cuộc họp ở Brussels vào thứ Ba tới để bàn về cách giải quyết vấn đề với Syria.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu |
Nữ phát ngôn viên của NATO, Oana Lungescu cho hay đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ là phù hợp với Điều 4, Hiến chương NATO được quy định trong Hiệp ước Washington.
Theo đó, “quốc gia thành viên khối NATO có quyền yêu cầu họp khẩn bất cứ khi nào họ nhận thấy sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị và an ninh của nước mình đang bị đe dọa”.
Chính quyền Ankara mới đây khẳng định sẽ kiên định, dứt khoát, tôn trọng luật pháp quốc tế và công khai mọi thông tin có liên quan để đảm bảo tính khách quan trong ứng xử với Syria.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague cũng đưa ra nhận định quân đội Syria đã hành động ‘thái quá’. Điều này thêm khẳng định cách ửng xử của chính quyền Tổng thống al-Assad ngày càng trở nên ‘khó chấp nhận’.
“Syria sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Giờ đây chúng tôi đã sẵn sàng thuyết phục Hội đồng Bảo an về một giải pháp thiết thực hơn” – bà Hague nhấn mạnh.
Vụ việc xảy ra khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thông báo mất liên lạc với một chiếc phản lực cơ chiến đấu F-4 Phantom lúc 9h sáng (theo giờ quốc tế) vào hôm 22/6 sau khi máy bay này cất cánh được 90 phút từ căn cứ Erhac thuộc tỉnh Malatya, miền tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó không lâu, quân đội Syria tuyên bố đã bắn hạ ‘một mục tiêu không xác định’ vi phạm không phận nước này vào lúc 8:40’ (theo giờ quốc tế) khi nó đang bay ở tầm thấp với tốc độ cao.
‘Mục tiêu không xác định’ này sau đó bốc cháy và rơi xuống Địa Trung Hải cách tỉnh ven biển Latakia của Syria khoảng 10km.
Sơ đồ mô tả đường bay của chiếc F-4 thuộc Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bị Syria bắn rơi hôm 22/6 1.Chiếc máy bay cất cánh từ căn cứ Erhac, Thổ Nhĩ Kỳ lúc 7:28' (giờ quốc tế) vào thứ Sáu tuần trước 2.Syria đưa tin chiếc máy bay xâm nhập không phận nước này vào lúc 08:40 (giờ quốc tế) 3.Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thông báo mất liên lạc với chiếc phản lực sau khi nó bay qua tỉnh Hatay vào lúc 08:58' (giờ quốc tế) 4.Syria tuyên bố đã bắn hạ chiếc máy bay cách bờ biển nước này khoảng 10km về phía tây |
Sự kiện gây tranh cãi này đã khiến quan hệ giữa hai nước vốn là đồng minh thân cận Thổ Nhĩ Kỳ - Syria ngày càng trở nên căng thẳng.
Gần đây Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhiều lần chỉ trích chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vì các cuộc đàn áp tàn bạo đối với phe nổi dậy khiến hơn 300.000 người dân Syria đã phải trốn sang tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Làn sóng xung đột nổ ra ở Syria từ hồi tháng 3/2011 đã khiến khoảng 12.000 người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người phải đi sơ tán và làm cộng đồng quốc tế lo ngại về nguy cơ một cuộc nội chiến mới sắp xảy ra.
Hạ Giang
Bình luận