Hôm 16/5, hãng thông tấn Anadolu đưa tin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông sẽ không chấp thuận Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thụy Điển thông báo các đại diện cấp cao từ Helsinki và Stockholm sẽ “sớm” tới Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về những phản đối của Ankara đối với tư cách thành viên NATO của họ.
Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan nói rằng các nhà ngoại giao Thụy Điển và Phần Lan không nhất thiết phải đến Thổ Nhĩ Kỳ để cố gắng thuyết phục Ankara chấp thuận đơn xin gia nhập NATO.
“Trước hết, chúng tôi sẽ không nói 'đồng ý' với họ. Không quốc gia nào có lập trường cởi mở, rõ ràng trong việc chống lại các tổ chức khủng bố", Tổng thống Erdogan nói, đồng thời mô tả Thụy Điển là "trung tâm ươm mầm cho các tổ chức khủng bố”.
“Họ có những lời mời đặc biệt tới những kẻ khủng bố. Họ thậm chí còn có các nghị sĩ người Kurd trong quốc hội của họ. Làm thế nào chúng ta sẽ tin tưởng được họ?", ông Erdogan cho hay, ám chỉ đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Ankara chỉ định là một tổ chức khủng bố.
Hai nước Bắc Âu đã chính thức xác nhận rằng họ sẽ tìm kiếm tư cách thành viên NATO, chấm dứt hàng thập kỷ không liên kết quân sự.
Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố phản đối việc hai nước gia nhập NATO, cáo buộc họ ủng hộ các tay súng người Kurd mà Ankara coi là khủng bố và không dẫn độ được hàng chục nghi can là "khủng bố".
Hôm 15/5, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết: “Các quốc gia ủng hộ chủ nghĩa khủng bố không nên là đồng minh trong NATO”. Ông nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu cả Phần Lan và Thụy Điển “ngừng hỗ trợ các nhóm khủng bố”.
Dù Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO song tiến trình để 2 nước này trở thành thành viên của liên minh quân sự này được cho là không dễ dàng. Bởi theo quy định của NATO, một quốc gia chỉ có thể được chính thức được kết nạp nếu như nhận được sự đồng ý từ tất cả các nước thành viên trong khối.
Phản ứng trước thông tin 2 nước Bắc Âu nộp đơn xin gia nhập NATO,Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga không có vấn đề gì với Phần Lan hay Thụy Điển, nhưng Moskva sẽ phản ứng trước việc NATO mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự tại hai nước này. Ông nói việc NATO mở rộng chính là vấn đề đối với Nga.
Bình luận