Ngày 2/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã bảo lưu lựa chọn sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa đầu tiên của nước này từ Trung Quốc, bất chấp sự phản đối từ đồng minh Mỹ.
Tờ "Vatan" dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Yilmaz khẳng định: "Trung Quốc đã đưa ra mức giá hợp lý nhất", đồng thời giải thích rằng Tập đoàn xuất-nhập khẩu cơ khí chính xác của Trung Quốc (CPMIEC) đã nhất trí thỏa thuận cùng hợp tác chế tạo với Thổ Nhĩ Kỳ.
Hệ thống phòng thủ tên lửa FD 2000 của Trung Quốc được Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn (Nguồn: defense-update.com) |
Tập đoàn CPMIEC đã trúng thầu trị giá 4 tỷ USD trong cuộc cạnh tranh với đối tác Raytheon & Lockheed Martin của Mỹ, Rosoboronexport của Nga và liên doanh Eurosamrs của Italy-Pháp.
Trước đó, Mỹ đã bày tỏ quan ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định hợp tác sản xuất một hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tầm xa với công ty Trung Quốc vốn nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, trong tuần qua đã thông báo chọn hệ thống phòng thủ tên lửa FD-2000 của CPMIEC thay vì những hệ thống từ Nga, Mỹ và Châu Âu bất chấp lo ngại về sự tương thích giữa hệ thống của Trung Quốc với hệ thống cảnh báo sớm của NATO.
Các đồng minh phương Tây đã tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi Thổ Nhĩ Kỳ đã lựa chọn hệ thống của CPMIEC thay vì hệ thống lá chắn tên lửa Patriot do hai công ty Mỹ là Lockheed Martin và Raytheon sản xuất. Nước này cũng không chọn hệ thống S-300 của Nga hay SAMP/T SAM của liên doanh Pháp-Italy là Eurosam.
Trong khi đó, CPMIEC bị Mỹ trừng phạt do vi phạm Đạo luật Không phổ biến vũ khí hạt nhân với Iran, Triều Tiên và Syria.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, công ty này bị trừng phạt hồi năm 2006 vì đã bán công nghệ tên lửa cho Iran.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: "Chúng tôi đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng khi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận hợp đồng với một công ty bị Mỹ trừng phạt về một hệ thống phòng thủ tên lửa vốn sẽ không tương thích với các hệ thống và khả năng phòng thủ tập thể của NATO".
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có quân số binh sĩ lớn thứ hai trong liên minh quân sự phương Tây. Nước này từng có vài bất đồng về quân sự với Mỹ, quốc gia đứng đầu trong khối NATO.
Theo Bloomberg, không một công ty Mỹ nào tham gia đấu thầu hợp đồng cung cấp máy bay trực thăng chiến đấu cho Thổ Nhĩ Kỳ năm 2006, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ muốn được truy cập dữ liệu mà Mỹ coi là cần bảo mật vì lý do an ninh. Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã bắt tay với Italy trong dự án trị giá 3 tỷ USD để đồng sản xuất 50 trực thăng chiến đấu cho quân đội.
Mỹ, Đức và Hà Lan, các thành viên khác của NATO, mỗi nước đều đã đưa hai khẩu đội Patriot cùng 400 binh sĩ đến để vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa này, đặt ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu năm nay sau khi Ankara đề nghị NATO tăng cường khả năng phòng thủ chống lại nguy cơ tấn công từ Syria.
Vietnam+
Bình luận