Trước thông tin lợn bị chết đồng loạt không rõ nguyên nhân, gần một tuần nay, nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội rơi vào cảnh ế thịt lợn.
Thậm chí, có tiểu thương cho biết có phiên bán cả ngày chưa được 3kg thịt.
300.000 đồng/con lợn 60-70kg
Cách chọn thịt an toàn Các chuyên gia cho biết, về mặt cảm quan phải chọn thịt có màu hồng tự nhiên, thịt dẻo, không dính tay, mỡ dày từ 1-1,5cm, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra. Không nên chọn thịt có màu sắc đỏ sẫm, tích nhiều nước, độ săn chắc kém, da có đốm đỏ. Nếu khi nấu sôi thịt bốc mùi tồn dư của kháng sinh phải đổ đi để đảm bảo an toàn sức khỏe. |
Quá 11h trưa 11/4, nhưng khi chúng tôi có mặt tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, hầu hết các quầy bán thịt vẫn còn đầy ắp. Các tiểu thương không giấu nổi sự chán chường, thất vọng.
Chị Huỳnh Thị Hoa, chủ quầy thịt chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết: “Một tuần nay rồi hôm nào tôi cũng bán ế thịt. Tối đến lại phải nhờ anh em, họ hàng, làng xóm ăn hộ. Nhưng nhờ ăn hộ cũng chỉ được 1-2 ngày còn lại phải mang đến các quán cơm bán sỉ với giá bèo. Nghỉ ở nhà thì không đành lòng bởi sáng nào đi lấy hàng tôi cũng nghĩ hôm nay sẽ khác, bán hàng sẽ tốt hơn. Thế nhưng, như ngày hôm qua tôi bán cả ngày với giá đại hạ nhưng chưa nổi 3kg thịt”.
Tương tự, chị Phạm Thị Lan, bán thịt tại chợ Đống Đa (phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa) cũng cho biết: “Gần một tuần nay thịt lợn ế thảm hại. Tôi chán chẳng muốn đi chợ nữa nhưng nghỉ thì tôi ngồi không yên thậm chí phát ốm vì hàng tháng vẫn phải trả tiền thuê cửa hàng”.
Cũng theo chị Lan: “Thịt lợn ế là do thông tin có chất tạo nạc và gần đây nữa là thông tin nhiều vùng quê lợn chết đồng loạt chưa rõ nguyên nhân”. Qua tìm hiểu tại một số vùng quê, thông tin chúng tôi nhận được đáng để giật mình.
Bà Trần Thị Nhờ, thôn Phương Nhi, xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định cho biết: “Lợn nhiều nhà đang chết cả loạt không rõ nguyên nhân. Với những con lợn còn sống thì người nuôi cũng lo nơm nớp vì sợ nó chết sẽ mất trắng nên bán phá giá: 300.000 đồng là mua được một con lợn 60- 70kg. Nhiều gia đình đã chung nhau mua những con lợn sống để giết thịt rồi làm giò chả ăn dần”.Dù hạ giá song người mua rất e dè với thịt lợn những ngày này.
Anh Vũ Trọng Quang (xã Yên Lợi, huyện Ý Yên) phàn nàn: “Nhiều chợ trong huyện bây giờ các quầy bán thịt lợn vắng hoe. Vì có bán cũng chẳng ai mua nên không có ai bán cả. Cách đây 4-5 ngày còn 3-4 người bán thịt lợn, có 20.000- 30.000 đồng/kg nhưng đến cuối buổi vẫn còn nguyên. Thậm chí thịt cho không còn không ai lấy. Nhiều gia đình chung nhau mua một con lợn sống về thịt ăn dần vì chỉ có 4.000- 5.000 đồng/kg lợn hơi”.
Tìm thực phẩm thay thế
Theo thông tin của chúng tôi, nhiều đơn vị được hỏi đều chưa hay biết gì về thông tin lợn chết đồng loạt. Vì vậy, chưa có kết luận gì trước thông tin này.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, cách tốt nhất để chọn thịt an toàn là nên mua thịt tại các siêu thị hoặc những nơi có đóng dấu của cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu không mua thịt được ở những địa chỉ tin cậy thì cách tốt nhất người tiêu dùng nên nói không với loại thực phẩm này. Vì hiện nay bằng mắt thường rất khó phân biệt được thịt an toàn hay không an toàn.
“Thời gian gần đây liên tục có những thông tin về việc đột nhập thị trường của các loại thực phẩm không an toàn. Gần đây nhất là ngày 4/4, Phòng CSGT (Công an Quảng Trị) phát hiện 500 kg mỡ heo và lợn con không rõ nguồn gốc được giấu trong các thùng xốp đã bốc mùi thối trên xe khách chạy tuyến Thái Bình – TPHCM. Hay cùng ngày tại Đà Nẵng, Chi cục Thú y Đà Nẵng cũng phát hiện tại nhà một người dân chứa hơn 150 kg thịt và xương lợn không rõ nguồn gốc, được cắt từng mảnh còn nguyên lông và đã bốc mùi hôi thối.
Hơn nữa lại có thông tin thịt hôi thối có thể làm tươi nhờ chất tẩy đường. Vì vậy, không chọn được thịt ở địa chỉ tin cậy, người dân nên chọn thực phẩm thay thế thịt lợn cho bữa ăn”, ông Phú khuyến cáo.
Ông Nguyễn Viết Tịnh, Chánh văn phòng Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng: “Rất khó nhận biết thịt an toàn bằng cảm quan, chỉ có thể kiểm tra bằng cách xét nghiệm thịt. Vì vậy, để bảo vệ mình tốt nhất là mua thịt ở địa chỉ tin cậy, uy tín”.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) cũng khuyến cáo rằng, cách tốt nhất để chọn thịt an toàn là chọn kênh mua sắm an toàn: siêu thị, trung tâm thương mại hoặc nơi có dấu kiểm dịch.
Theo Gia đình& Xã hội
Bình luận