Bệnh nhân là ông Cầm Văn Hóa, 48 tuổi, trú tại bản Huổi, xã Mường Hung, tỉnh Sơn La được chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Mã (Sơn La) ngày 27/6 trong tình trạng nguy kịch do nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Thông tin từ gia đình, trước đó ông Hóa cùng một số người khác có tập trung mổ một con lợn chết để ăn. Sau khi ăn, ông Hóa lâm tình trạng sốt cao, mệt lả, trên da xuất hiện các ban hoại tử, khó thở. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng ông Hóa vẫn không qua khỏi.
Các bác sĩ khuyến cáo, vi khuẩn liên cầu lợn Streptococcus suis (S.suis) đặc biệt nguy hiểm, có thể gây bệnh viêm màng não mủ hoặc nhiễm trùng huyết.
Bệnh viêm màng não thường sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác… xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể.
Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hoá với triệu chứng sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run... trước khi có biểu hiệu của viêm màng não.
Người bị nhiễm trùng huyết có biểu hiện sốt cao liên tục, phát ban hoại tử từ màu hồng cánh sen, chuyển sang đỏ tím, lan ra toàn thân rồi hoại tử đen.
Nếu nặng, bệnh nhân có thể bị sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... hôn mê và thiệt mạng. Khả năng mất mạng đối với bệnh nhân bị suy đa phủ tạng chiếm tỷ lệ 45%- 50%.
Vì vậy, để tránh mắc liên cầu khuẩn lợn, người dân không nên mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Thịt lợn phải nấu chín. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn. Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.
Bình luận