Trong 4 thập kỷ qua, Trung Quốc không ngừng phát triển với công cuộc cải cách mở cửa. Nhờ vậy, một bộ phận người dân cũng giàu lên nhanh chóng. Về cơ bản, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu làm giàu. Tuy nhiên, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng nghiêm trọng ở quốc gia này khiến các nhà lãnh đạo lo ngại rằng tình hình đang đi ngược với mục tiêu ổn định kinh tế-xã hội về lâu dài của chính sách “thịnh vượng chung”.
Để giải quyết vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển, các nhà lãnh đạo Trung Quốc do ông Tập Cận Bình đứng đầu quyết định triển khai các chính sách nhằm cân bằng mức thu nhập. Hồi tháng 8, Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi “điều chỉnh hợp lý thu nhập dư thừa”, đồng thời khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp có thu nhập cao “cống hiến cho xã hội”.
Nếu như 40 năm trước, Trung Quốc tập trung xây dựng kinh tế và tạo điều kiện để một số cá nhân làm giàu trước, thì trong 30 năm tới, quốc gia này sẽ hướng đến thịnh vượng chung, đồng thời nỗ lực để người dân cả nước đều giàu có. Với mục tiêu phát triển này, khoảng cách giàu nghèo quá lớn sẽ tạo ra mối đe dọa đối với sự ổn định lâu dài và phát triển bền vững của quốc gia.
Tuy nhiên, các nhà phân tích chỉ ra rằng việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo sẽ đi kèm với gia tăng kiểm soát đối với cách điều hành kinh doanh-xã hội.
Thuế bất động sản - vũ khí mạnh nhất
Bài phát biểu gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình đề cập tới chiến lược nhằm kiềm chế sự giàu có quá mức của một bộ phận người dân và tiến tới mục tiêu thịnh vượng chung đã khiến giới siêu giàu ở Trung Quốc đứng ngồi không yên.
Chính sách này được các nhà lãnh đạo Trung Quốc triển khai mạnh tay trong lĩnh vực bất động sản.
Có tới 70% tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc nằm ở bất động sản, vì vậy, chính sách đánh thuế vào lĩnh vực này có thể là công cụ mạnh mẽ nhất của ông Tập trong nỗ lực phân phối lại thu nhập toàn xã hội.
“Những năm qua, giá nhà ở tại Trung Quốc đã tăng chóng mặt, giúp nhiều gia đình tích lũy tài sản. Chính sách mới sẽ bổ sung thuế nhằm vào những bất động sản này để điều chỉnh thu nhập”, theo Economic Daily.
Gần đây, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc thông báo sẽ thí điểm đánh thuế bất động sản ở một số khu vực, kéo dài 5 năm. Thông báo này cho thấy Bắc Kinh đang quyết tâm đẩy mạnh chiến lược.
Vẫn còn quá sớm để nhận định liệu thuế bất động sản sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế và xã hội của Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích cho rằng thuế này sẽ giúp thay đổi thói quen nắm giữ tài sản của người dân, vốn được định hình kể từ khi nước này cho phép sở hữu nhà riêng vào năm 1998.
Hàng xa xỉ mất giá nhưng mức sống của dân vẫn vậy
Nếu sự thịnh vượng chung đồng nghĩa với việc tập trung thúc đẩy tầng lớp trung lưu mới nổi ở Trung Quốc, nó sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp toàn cầu phục vụ tập khách trong nhóm này.
Joerg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, cho rằng việc hỗ trợ người trẻ tuổi và tạo điều kiện cho tầng lớp trung lưu phát triển là tốt, nhưng ông cũng cảnh báo rằng việc này sẽ tác động xấu lên các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng xa xỉ.
"Chi tiêu của Trung Quốc chiếm khoảng 50% tiêu dùng hàng xa xỉ trên toàn cầu - nếu như người giàu Trung Quốc quyết định bớt mua đồng hồ Thụy Sĩ, cà vạt Ý và xe hơi sang trọng của châu Âu, thì các ngành này sẽ bị ảnh hưởng”.
Ông Wuttke thừa nhận, nền kinh tế Trung Quốc cần những cải cách quan trọng để tăng thu nhập trung bình của toàn dân, nhưng ông cũng nói thịnh vượng chung có thể không phải cách hiệu quả nhất để đạt được điều đó.
Chuyên gia Steven Lynch thuộc Phòng Thương mại Anh tại Trung Quốc cũng đồng tình rằng chính sách thịnh vượng chung không đảm bảo về việc tầng lớp trung lưu sẽ phát triển vượt bậc như cách quốc gia và một bộ phận người giàu đã phát triển trong 40 năm qua.
Dẫn chứng câu chuyện về tốc độ phát triển của nền kinh tế Trung Quốc trong vài thập kỷ qua, ông Lynch nói: “30 năm trước, một gia đình Trung Quốc có thể ăn một chiếc bánh bao mỗi tháng. 20 năm trước, có lẽ họ có thể ăn một chiếc mỗi tuần. 10 trước, nó trở thành thức ăn hàng ngày. Và giờ thì họ đã có thể mua một chiếc ô tô”.
Nhưng cho đến nay, sự thịnh vượng chung chưa hề dẫn đến bất cứ cải thiện cụ thể nào như câu chuyện trên.
Không "dìm" người giàu
Trong những năm gần đây, thái độ của công chúng ở Mỹ và các nước phát triển khác đối với Trung Quốc xấu đi đáng kể. Những động thái gần đây của Bắc Kinh có thể khiến tình hình tệ hơn, bao gồm việc ghẻ lạnh cộng đồng doanh nghiệp quốc tế - vốn luôn ủng hộ các mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc.
Nhận thức được tình hình này, các quan chức cấp cao của Trung Quốc đang tìm cách xoa dịu các ý kiến xung quanh việc thắt chặt quy định vì chính sách thịnh vượng chung.
Ông Han Wenxiu, quan chức kinh tế cấp cao của Trung Quốc, đã đưa ra chủ đề này tại một cuộc họp giao ban ở Bắc Kinh vào ngày 26/8: "Thịnh vượng chung không khiến chúng tôi hại người giàu để giúp đỡ người nghèo”.
Sau phát biểu của ông Wenxiu, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh quan điểm này tại Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại Dịch vụ Toàn cầu năm 2021 vào ngày 2/9: “Chúng tôi sẽ làm việc với tất cả các bên để duy trì sự cởi mở, hợp tác, có lợi và cùng có lợi, chia sẻ cơ hội trong tăng trưởng thương mại dịch vụ và thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới”.
Chưa đầy một tuần sau, Phó Thủ tướng Lưu Anh cũng công khai đảm bảo với các doanh nghiệp rằng chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ các cơ sở tư nhân.
Vào ngày 8/9, tờ Nhân dân Nhật báo công bố một cam đoan rằng Trung Quốc sẽ “kiên quyết thúc đẩy việc mở cửa, bảo vệ tài sản và quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời nâng cao tính minh bạch và khả năng dự đoán của chính sách”.
Bình luận