Tại buổi họp báo chiều 28/3, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên trả lời về thông tin kiến trúc thiết kế cầu Thượng Cát giống thiết kế cầu Thạch Hãn 1 ở tỉnh Quảng Trị.
Theo ông Nguyễn Bá Nguyên, thành phố đã lập hội đồng thi tuyển thiết kế cầu Thượng Cát. Trên cơ sở đó, Hội đồng thi tuyển đã triển khai theo đúng quy định và kết quả có 3 phương án, trong đó có phương án giải nhất như báo chí nêu.
Sau khi có phản ánh, Sở Quy hoạch và Kiến trúc cũng như Hội đồng thi tuyển rà soát và báo cáo UBND thành phố.
Qua kiểm tra, ông Nguyễn Bá Nguyên khẳng định, 2 cây cầu thực chất có sự khác biệt, quy mô cũng như các nhịp cầu, vị trí, cảnh quan đều không giống nhau.
Trên cơ sở đó, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã báo cáo UBND thành phố, bảo đảm quy trình thống nhất lựa chọn.
“Cuối tháng 2 vừa qua, Sở Quy hoạch và Kiến trúc gửi Hội đồng kiến trúc thành phố để lấy ý kiến”, ông Nguyên cho biết.
Theo ông Nguyên, các thành viên Hội đồng kiến trúc thành phố đang gửi ý kiến, Sở cũng đang trong quá trình tổng hợp để ra thông báo kết luận. Từ đó, làm cơ sở để triển khai, bảo đảm đúng chỉ đạo của thành phố, làm sao có những ngôn ngữ quy hoạch kiến trúc khác biệt, tránh dư luận nói có hai cầu giống nhau.
Trước đó, báo chí phản ánh sau khi giải nhất kiến trúc cầu Thượng Cát với tên gọi "Cánh chim hòa bình" được công bố, nhiều người so sánh nó với thiết kế cầu Thạch Hãn 1 ở Quảng Trị và đặt câu hỏi về sự giống nhau.
Năm 2022, thiết kế cầu Thạch Hãn 1 với tên gọi "Đón bình minh" cũng đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế kiến trúc do chủ đầu tư tổ chức và đang được thi công.
Dự án cầu Thượng Cát được HĐND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng vào tháng 12/2023.
Cầu có tổng chiều dài 5,22km. Trong đó, chiều dài cầu 4,06km, cầu chính vượt sông Hồng dài 600m; hai đầu dẫn Bắc, Nam dài tổng cộng hơn 3,4km.
Tổng vốn đầu tư xây dựng cầu hơn 8.000 tỷ đồng. Dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Bình luận