Theo Live Science, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thừa nhận tiểu hành tinh Bennu đường kính hơn 500 mét có xác suất va chạm với Trái Đất vào thế kỷ 22. Nếu va chạm xảy ra, tác động sẽ tương đương với việc kích hoạt ba tỷ tấn thuốc nổ và mạnh gấp 200 lần quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản.
Tuy nhiên, NASA cho biết, xác suất này rất nhỏ và kích thước của Bennu cũng không đủ lớn để gây nguy hiểm cho địa cầu. Đây cũng là cơ hội cho các nhà khoa học tìm hiểu về nguồn gốc sự sống trên Trái Đất.
"Chúng ta không nói về một tiểu hành tinh có thể phá hủy Trái Đất", Dante Lauretta, nhà nghiên cứu chính của Osiris-Rex, phòng thí nghiệm Mặt Trăng và hành tinh, Đại học Arizona, Mỹ cho biết. "Năng lượng của vụ va chạm không đủ".
Theo đúng kế hoạch, NASA sẽ phóng thiết bị thăm dò trị giá 800 triệu USD Osiris-Rex lên thiên thạch Bennu vào ngày 8/9. Nó sẽ đuổi theo Bennu trong vòng hai năm và đáp xuống tiểu hành tinh này vào tháng 8/2018. Sau đó nó sẽ nghiên cứu quỹ đạo của tiểu hành tinh này trong hai năm, trước khi thu thập ít nhất 60 gram vật chất bề mặt vào tháng 7/2020 rồi trở về Trái Đất vào năm 2023.
Nhiệm vụ của các nhà khoa học là nghiên cứu vai trò các tiểu hành tinh như Bennu – tối màu, nguyên thủy và rất giàu carbon – có thể đã giúp sự sống phát triển trên Trái Đất, theo Lauretta.
"Liệu có phải những vật thể này đã mang vật chất hữu cơ và nước, dưới dạng khoáng chất ngậm nước như đất sét tới bề mặt hành tinh của chúng ta, tạo ra các môi trường phù hợp cho sự sống đầu tiên phát triển?" Lauretta nói. "Đây là nhiệm vụ hàng đầu".
Mục tiêu tiếp theo của họ là nghiên cứu về các tài nguyên giá trị có thể có mặt trên các tiểu hành tinh giống như Bennu. Các nhà khoa học cũng nghiên cứu các khả năng phòng thủ hành tinh, khía cạnh đang thu hút nhiều chú ý trong thời gian gần đây.
Bình luận