Công ty Slooh chuyên theo dõi các hiện tượng không gian, cho biết thiên thạch - tên là 2017 AG13 – được Khoa Khảo sát Bầu trời Catalina thuộc Trường ĐH Arizona phát hiện hôm 7/1. Nó dài khoảng 15-34 m. Khi lướt qua trái đất, thiên thạch bay với vận tốc 16 km/giây.
Thiên thạch này được liệt vào dạng NEO, tức các đối tượng gần trái đất. Nó bay cách hành tinh xanh bằng một nửa khoảng cách từ trái đất tới mặt trăng, theo Công ty Slooh. Nhà thiên văn học Eric Feldman cho hay thiên thạch bay rất nhanh và rất gần trái đất. Đồng thời, nó đi qua quỹ đạo của hai hành tinh: sao Kim và trái đất.
Trường hợp 2017 AG13 đâm vào trái đất, một vụ nổ khí có cường độ 700 kiloton (mạnh gấp hàng chục lần vụ nổ do quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống TP Hiroshima – Nhật Bản gây ra) sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, do vụ nổ diễn ra ở khoảng cách 16 km so với mặt đất nên sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể.
Tuy nhiên, Công ty Slooh cho biết 2017 AG13 có kích thước gần bằng tiểu hành tinh phát nổ phía trên khu vực Chelyabinsk - Nga hồi năm 2013 làm vỡ các cửa sổ và khiến nhiều tòa nhà bị hư hại nhẹ. Vì vậy, tác động của thiên thạch 2017 AG13 có thể cũng sẽ tương tự.
Chương trình đối tượng gần trái đất của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), thống kê ít nhất 30 tiểu hành tinh giống như 2017 AG3 có khả năng tiếp cận trái đất trong tháng 1-2017.
Tuần trước, NASA lựa chọn 2 chương trình để phục vụ nghiên cứu tiểu hành tinh trong tương lai. Thứ nhất là Lucy - làm nhiệm vụ khám phá các tiểu hành tinh trong quỹ đạo của sao Mộc. Thứ hai là Psyche – sẽ bay vào không gian để tìm hiểu lõi kim loại của một hành tinh chết khổng lồ.
Bình luận