“Trong suốt năm lớp 12, tôi phải học hơn 18 tiếng mỗi ngày và chỉ có khoảng 6 tiếng cho sinh hoạt cá nhân và nghỉ ngơi. Nghĩ lại, cuộc sống như vậy thật kinh hoàng”, Ji Lingyuan, sinh viên năm thứ hai tại ĐH Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, tâm sự.
Lên đại học, dù là sinh viên của một trong những ngôi trường danh tiếng nhất nước, Lingyuan sống “dễ thở” hơn nhiều so với thời trung học. Cô không phải mất ăn, ngủ ôn bài, căng thẳng ở trường, trung tâm học thêm hay trong giờ tự học ở nhà, cũng không đến mức phải cạnh tranh gay gắt từng điểm số với bạn học.
Với nữ sinh 20 tuổi cùng hàng triệu sinh viên Trung Quốc, trải qua cao khảo (gaokao) - kỳ thi khắc nghiệt bậc nhất thế giới - môi trường đại học thực sự là thiên đường.
Những năm tháng “nước sôi lửa bỏng”
Trả lời phỏng vấn Guardian sau ngày thi tuyển sinh đại học năm 2016, thí sinh Yuan Qi cho biết cậu được nhắc nhở phải cố gắng học để thi cao khảo từ khi vào lớp 1. Đó cũng là thời điểm hầu hết học sinh Trung Quốc bắt đầu cuộc cạnh tranh vào đại học - cuộc cạnh tranh kéo dài suốt 12 năm.
Họ phải học ở trường, trung tâm dạy thêm và dành khoảng 3 tiếng mỗi ngày để tự làm bài tập về nhà. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm ở lớp 12. Tại trường học, các em phải học 15 tiếng mỗi ngày, tranh thủ ăn uống nhanh gọn trong khoảng 5-10 phút.
Các hoạt động tập thể bị cắt bỏ hết với học sinh lớp 12 để các em tập trung ôn thi hoàn toàn. Những năm gần đây, trước sự chỉ trích của dư luận, nhiều trường đưa thêm một số hoạt động như tập thể dục giữa giờ, yoga để các em bớt căng thẳng.
Cuộc sống của học sinh lớp 12 gần như chỉ xoay quanh việc học, nhồi nhét càng nhiều càng tốt, tranh thủ học mọi lúc mọi nơi, thậm chí cả khi mệt mỏi nhất. Nhiều em học đến kiệt sức, phải nhập viện điều trị. Nhưng trong quá trình nằm viện, các em vẫn không rời cuốn sách.
Bức tranh ôn thi khốc liệt ở Trung Quốc thể hiện rõ nét quả bức ảnh chụp hai bệnh nhân ôn tập môn Hóa học trong khi phải thở bằng bình oxy tại bệnh viện ở thị trấn Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên, do phóng viên Reuters chụp năm 2015.
Không chỉ học sinh, gia đình và nhà trường cũng tham gia cuộc đua giành suất tại đại học danh tiếng. Bên cạnh việc chăm lo bữa ăn, đưa đón con di chuyển từ trường đến trung tâm học thêm và về nhà, nhiều cha mẹ còn phụ trách thêm phần đi chùa, miếu, cúng bái để cầu cho con thi đỗ.
Nhà trường giám sát học sinh, tư vấn ôn thi, chọn trường, kiêm luôn trách nhiệm đảm bảo sức khỏe. Không ít trường bị chỉ trích đào tạo người máy khi buộc các em học hơn 15 tiếng mỗi ngày. Tại những trường trung học “điểm”, cuộc chuẩn bị cho cao khảo càng ráo riết.
Theo South China Morning Post, trường Trung học Hành Thủy ở tỉnh Hà Bắc - nơi có hơn 100 học sinh trúng tuyển ĐH Bắc Kinh và Thanh Hoa mỗi năm -thậm chí phát vitamin cho học sinh để các em có đủ sức khỏe ôn thi. Không dừng lại ở đó, ngôi trường danh tiếng này còn cho nữ sinh uống thuốc tránh thai nhằm hoãn kỳ sinh lý đến sau ngày dự thi cao khảo.
Thực tế, 75% học sinh Trung Quốc học lên đại học. Điều khiến kỳ thi trở nên căng thẳng là điểm số thí sinh đạt được sẽ quyết định họ học tại một trong những trường thuộc nhóm C9 được ví như “Ivy League của Trung Quốc”, hay một trường địa phương xoàng xĩnh.
Cuộc sống mới tự do, nhiều màu sắc
Kết thúc mùa tuyển sinh đồng nghĩa việc hàng loạt người được giải thoát. Không những vậy, sau khi chăm lo cho con thi đại học, nhiều phụ huynh cũng bắt đầu được sống cho riêng mình.
Đây cũng là thời điểm người trẻ được sống tự do. Thay vì vùi đầu vào sách vở, họ dành thời gian để du lịch, tán gẫu, dạo phố với bạn bè hay lao vào công cuộc sắm mỹ phẩm, quần áo, làm đẹp hay học nhạc cụ thậm chí phẫu thuật thẩm mỹ.
Tiếp đó, tùy vào điểm số, một số người sẽ vào nhóm C9 (gồm ĐH Phục Đán, Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, ĐH Nam Kinh, ĐH Bắc Kinh, ĐH Giao thông Thượng Hải, ĐH Thanh Hoa, ĐH Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, ĐH Giao thông Tây An, ĐH Chiết Giang) hay trường ít tiếng tăm hoặc ôn thi lại.
Với những người vào đại học, cuộc sống của họ thực sự bước sang trang mới. Họ rời gia đình, bắt đầu cuộc sống tập thể khi phần lớn đại học Trung Quốc yêu cầu sinh viên sống nội trú.
Dù ký túc xá quy định giờ giới nghiêm và giờ cắt điện, nước, cuộc sống của sinh viên vẫn tự do hơn so với quãng thời gian trước cao khảo. Nó cũng nhiều màu sắc hơn khi trường học có hàng loạt hội, đoàn, câu lạc bộ để người trẻ lựa chọn.
Việc học ít được chú trọng hơn, phần vì nó nhẹ nhàng so với lượng kiến thức người học phải nhồi nhét ở thời phổ thông, phần vì tâm lý chung của sinh viên, cảm thấy được giải thoát sau khi thi khắc nghiệt.
“Tôi từng nghĩ vào đại học, tôi sẽ đọc hết sách trong thư viện, chuyên tâm thu nạp kiến thức cho lĩnh vực mình theo đuổi. Nhưng không, trong hai năm đầu, tôi chỉ dành thời gian để tận hưởng tự do trước khi bị bố mẹ thúc ép xác định con đường cho tương lai”, tác giả Sky Xu viết về thời đại học của mình trên Global Times.
Trong bài viết trên Sohu, ông Qin Chunhua, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh ĐH Bắc Kinh, nhận xét sinh viên Trung Quốc, kể cả những người theo học trường hàng đầu, khá lười khi so với sinh viên nước khác, đặc biệt Mỹ, nơi ông từng theo học
Bản thân ông trải qua thời sinh viên trong nước khá nhẹ nhàng. Ông ngủ 4-5 tiếng mỗi ngày. Thời gian còn lại được dùng để đọc sách, tham gia hoạt động xã hội.
Ngày nay, mạng xã hội trở thành trọng tâm cuộc sống của giới trẻ càng khiến việc học bị bỏ bê. Nhiều giảng viên phải áp dụng điểm danh, cho điểm chuyên cần để sinh viên không trốn tiết.
Việc học, thi lại được coi như điều dễ hiểu, dễ chấp nhận của sinh viên nước này. Họ không còn tranh thủ từng giờ để học bài, kiến thức từ thời phổ thông không mấy liên quan tới việc học ở đại học.
Ngược lại, kinh nghiệm học nhồi nhét từ thời ôn thi giúp sinh viên Trung Quốc vượt qua kỳ thi khảo sát ở đại học khá dễ. Trước buổi thi vài ngày, họ chỉ cần mượn vở ghi chép từ bạn học, ghi lại trọng điểm rồi ôm cuốn sách đọc thuộc.
“Đương nhiên, sinh viên các trường danh tiếng vẫn học tập khá chăm chỉ. Nhưng với những bạn tương đối thông minh hoặc theo học trường khai phóng, thời đại học khá dễ dàng. Họ có thể buông thả việc học”, ông Qin Chunhua tổng kết.
Bình luận