• Zalo

Thị trường xe hơi Việt Nam 2018: Một năm đầy biến động

XeChủ Nhật, 30/12/2018 11:40:00 +07:00Google News

Thị trường xe hơi Việt Nam trải qua một năm 2018 đầy biến động khi Nghị định 116 là nhân tố chính chi phối doanh số các hãng xe nói chung và xe nhập khẩu nói riêng.

2018 là một năm đầy biến động của thị trường xe hơi Việt Nam, với cả hai đầu thái cực, ảm đạm lẫn sôi động. Những sóng gió trong năm 2018 đã được dự đoán từ đầu năm, khi Nghị định 116 chính thức có hiệu lực và ảnh hưởng trực tiếp đến các hãng xe.

Thị trường xe hơi và Nghị định 116

Tháng 1/2018, Nghị định 116 cùng thuế nhập khẩu xe hơi trong khu vực ASEAN về 0% cùng lúc có hiệu lực. Trong khi thuế suất 0% khiến khách hàng chờ đợi các mẫu xe nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, thì Nghị định 116 như chiếc vòng kim cô cản bước tiến của xe nhập.

Nghị định 116 quy định các doanh nghiệp nhập xe vào Việt Nam cần có giấy chứng nhận về xuất xứ, kiểu loại được chứng nhận bởi cơ quan nước ngoài, đồng thời từng lô xe nhập khẩu về đều cần kiểm định. Đáng chú ý, các nước sản xuất xe hơi trên thế giới không có tiền lệ cấp giấy chứng nhận kể trên cho các thị trường nhập khẩu.

otohonda_zing_1

Nghị định 116 ảnh hưởng trực tiếp đến những mẫu xe nhập khẩu. 

Các doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi vì vậy không kịp lo thủ tục cho các mẫu xe, khiến thị trường xe nhập khẩu gần như đóng băng khi Nghị định 116 bắt đầu có hiệu lực. Thị trường xe hơi trong giai đoạn đầu năm là sự thống trị của xe lắp ráp trong nước. Ở giai đoạn Tết Nguyên Đán 2018, khi chỉ có 1 chiếc ôtô dưới 9 chỗ được nhập khẩu. Đây là mức nhập khẩu ôtô thấp kỷ lục từ trước đến nay.

Việc Nghị định 116 chính thức áp dụng vào tháng 1/2018 đã khiến doanh số của nhiều hãng xe suy giảm đồng thời thay đổi cục diện xe lắp ráp và nhập khẩu trong năm 2018. Tính đến hết tháng 11, doanh số xe lắp ráp tăng 11%, trong khi xe nhập giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu tiêu dùng chưa bao giờ có dấu hiệu suy giảm đối với xe nhập khẩu, nhưng khách hàng chỉ có lựa chọn mua xe lắp ráp trong nước. Các hãng xe hơi vì vậy tìm mọi cách để sớm đưa xe nhập khẩu trở lại Việt Nam. Thị trường xe hơi Việt Nam bắt đầu khởi sắc vào giai đoạn cuối năm, khi những lô xe nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam từ tháng 9.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 11 là tháng thứ 3 liên tiếp số lượng xe hơi nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam tăng vọt, đạt trên 10.000 xe. Cụ thể, tháng 9, cả nước nhập khẩu 11.000 xe các loại, đến tháng 10 là 12.400 xe, tháng 11 là 12.300 xe. Số xe hơi nhập khẩu trong 3 tháng cuối năm đạt khoảng 35.700 xe các loại. Trong khi đó, 8 tháng đầu năm, lượng xe nhập khẩu chỉ đạt 28.000 chiếc.

Việc xe nhập khẩu trong khu vực ASEAN không thể bùng nổ như dự kiến đã khiến giá xe hơi trong năm 2018 không những không giảm mà còn tăng giá bán.

Nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung có hạn, các mẫu xe nhập khẩu bán chạy như Toyota Fortuner hay Ford Ranger được đại lý bán kèm phụ kiện, khách hàng cần chi thêm cả trăm triệu đồng để sở hữu xe. Xe lắp ráp trong nước không có sức ép của xe nhập khẩu, cũng gần như giữ nguyên giá bán so với giai đoạn cuối năm 2017. 

2018_1

 Các mẫu xe bán chạy nhất thị trường ôtô Việt Nam tính đến hết tháng 11/2018.

Mercedes-Benz GLC và ồn ào lội nước

Một trong những sự việc gây chú ý nhất làng xe trong năm 2018 là câu chuyện Mercedes-Benz GLC bị vào nước cầu trước. Vụ việc bắt đầu từ tháng 5/2018 và được làm nóng trở lại vào tháng 8, khi nhiều chủ xe GLC kiểm tra và phát hiện có nước trong bộ phận vi sai cầu trước của xe.

Nguyên nhân của việc nước lọt vào cầu trước trên GLC được xác định là từ bộ phận van điều chỉnh áp suất của bộ phận vi sai cầu trước. Chiều cao của bộ phận này so với mặt đất là 40 cm, và theo khuyến cáo từ nhà sản xuất, không đi xe qua vùng nước cao hơn 30 cm (mặt nước tĩnh), để tránh nước lọt vào cầu trước cũng như các rủi ro khác.

Theo phản ánh từ phía khách hàng, các mẫu xe GLC lội nước ở độ sâu 20-30 cm cũng gặp tình trạng nước lọt vào cầu trước. Điều này làm ảnh hưởng khá nhiều tới khả năng vận hành xe của nhiều khách hàng, trong bối cảnh Mercedes-Benz GLC là một chiếc SUV gầm cao và được quảng cáo vượt địa hình rất tốt, phần nào khiến khách hàng ngộ nhận về khả năng của chiếc xe.

Vụ việc GLC hạn chế về khả năng lội nước gây xôn xao bởi theo nhiều khách hàng, chiếc SUV hạng sang này có khả năng lội nước kém xa các mẫu xe nhỏ hơn, điển hình là Ford EcoSport với khả năng lội nước lên tới 55 cm.

Nước lọt vào cầu về lâu dài có thể khiến bộ phận này bị hư hỏng và ảnh hưởng tới khả năng vận hành của chiếc GLC. Một số khách hàng quyết định độ lại ống thở cho bộ phận cầu trước để hạn chế tình trạng trên. Trong khi đó, Đại diện Mercedes-Benz Việt Nam khẳng định đó chỉ là sự hiểu lầm. Hãng đã kiểm tra chất lượng tại các thị trường khác và chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào xảy ra trên toàn cầu.

Mercedes_Benz_GLC_zing_1 3

Hãng xe Đức khẳng định việc Mercedes-Benz GLC bị vô nước vai sai cầu trước không phải lỗi kỹ thuật. 

Mercedes-Benz Việt Nam không xem vấn đề nước lọt vào cầu trước là lỗi kỹ thuật và không có đợt triệu hồi nào diễn ra. Giải pháp của hãng xe Đức là khuyến cáo chủ xe GLC đến các xưởng dịch vụ chính hãng để kiểm tra, đồng thời gợi ý khách hàng thay thế van điều chỉnh áp suất của bộ phận vi sai cầu trước bằng một thiết bị tối ưu hơn, với giá khoảng 600.000 đồng.

Trong năm 2018, Mercedes-Benz GLC có 2 đợt triệu hồi, nhưng không liên quan đến sự việc lọt nước vào bộ phận vi sai cầu trước. Gần đây nhất, Mercedes-Benz Việt Nam phát thông báo triệu hồi 4.802 chiếc GLC lắp ráp tại Việt Nam từ tháng 3/2016 đến tháng 2/2018 vì lỗi hệ thống dây an toàn ghế sau.

Không chỉ riêng Mercedes-Benz Việt Nam, năm 2018 cũng chứng kiến nhiều đợt triệu hồi xe lớn. Ford Việt Nam đầu tháng 12 thông báo triệu hồi 17.132 xe Ranger và Fiesta vì lỗi trên bộ phận khóa cửa, có thể khiến cửa bung ra khi đang vận hành. 

Hyundai Thành Công ngày 10/10 bắt đầu đợt triệu hồi 11.540 xe Grand i10 lắp ráp trong nước, khi phát hiện bu lông bắt puly đầu trục khuỷu trên một số xe có thể phát sinh lỗi gãy bu lông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người dùng.

Triển lãm xe hơi ngập tràn xe nhập khẩu

Sau khi tìm được đáp án cho bài toán Nghị định 116, hàng loạt mẫu xe nhập đổ bộ vào Việt Nam. Triển lãm VMS 2018 diễn ra vào cuối tháng 10 đánh dấu bước chuyển mình của thị trường xe trong nước, một diện mạo mới đa dạng và hấp dẫn hơn so với 8 tháng đầu năm.

Motor_Show_zing_75 4

 

VMS 2018 thêm phần đặc biệt khi sau 3 năm, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng Việt Nam (VIVA) quay trở lại làm triển lãm chung. Hàng loạt mẫu xe mới được mang về, xe nhập khẩu áp đảo, phần nào giải tỏa được cơn khát xe nhập khẩu kéo dài hơn nửa năm 2018 và mang tới cho khách hàng nhiều lựa chọn tươi mới.

Hàng loạt mẫu xe mới như Ford Ranger Raptor, Nissan Terra, Honda Brio cũng chính thức trình làng người tiêu dùng Việt, bên cạnh các mẫu xe nhập khẩu đã ra mắt trước đó như Toyota Wigo hay Mitsubishi Xpander.

Trong khi đó, những ngôi sao hạng sang như Volkswagen Tuareg 2018, Audi Q8, Audi A7 Sportback, Lexus ES 2019 hay Volvo XC90 Excellence cũng thu hút nhiều sự quan tâm của khách tham quan. Giá bán trải dài từ 345 triệu đồng đến 17 tỷ đồng, VMS 2018 tha hồ cho khách hàng "đi chợ".

1 5

 

Sự hạn chế về không gian tổ chức vẫn là điểm khó của triển lãm xe hơi tại Việt Nam, khi chưa có không gian nào đủ lớn để tất cả các thương hiệu xe cùng tham dự. Hai ông lớn Trường Hải và Hyundai Thành Công chiếm phân nửa thị phần trên thị trường xe hơi Việt không góp mặt tại VMS 2018. Năm 2019, VinFast sẽ là cái tên được chờ đón nhất tại triển lãm xe hơi lớn nhất Việt Nam.

VinFast xuất hiện

Năm 2018 có một cái tên không thể bỏ qua là VinFast, thương hiệu xe hơi của Tập đoàn VinGroup, sẽ được sản xuất tại Việt Nam, cạnh tranh ở nhóm xe đô thị và tầm trung. VinFast ra đời vào cuối năm 2017, và tháng 10/2018 đã chính thức trình làng thế giới, khi tham dự Paris Motor Show 2018 diễn ra tại Pháp.

Trong 15 phút diễn ra sự kiện, VinFast trình làng 2 mẫu xe Lux SA 2.0 và Lux S 2.0, tuy nhiên không đề cập nhiều tới thông số kỹ thuật, sức mạnh động cơ hay công nghệ bên trong. 

v3 6

 

Hơn 2 tháng sau Paris Motor Show, VinFast chính thức giới thiệu hai mẫu xe kể trên tại Việt Nam, cùng với thêm một chiếc xe khác, mẫu xe đô thị Fadil. Cả ba mẫu xe hơi của VinFast đều thu hút sự quan tâm của người Việt, tại cả sự kiện ở Hà Nội cũng như TP.HCM và các tỉnh thành khác.

Phiên bản thương mại của ba mẫu xe dự kiến xuất hiện vào nửa cuối năm 2019.

10_zing 7

 

Những mẫu xe nổi bật trong năm

Xe bán chạy nhất: Toyota Vios

Trong năm 2018, Toyota Vios là mẫu xe bán chạy nhất thị trường với doanh số tính đến hết tháng 11 đạt 23.531 chiếc. Mẫu sedan hạng B của Toyota đã vượt qua Hyundai Grand i10 với doanh số nhiều tháng trên 2.000 xe.

Toyota Vios được nâng cấp phiên bản mới vào tháng 8/2018, có giá từ 531-606 triệu đồng. Mức giá không quá hấp dẫn của Toyota Vios được bù lại bởi những ưu điểm về thương hiệu, khả năng vận hành bền bỉ, chi phí sử dụng thấp và giá trị bán lại cao.

Vios_Zing 8

 

Phiên bản mới bên cạnh nâng cấp về ngoại hình còn có thêm cân bằng điện tử và thêm túi khí. Động cơ và hộp số của Toyota Vios 2018 không có sự thay đổi so với phiên bản cũ, vẫn là loại 4 xy-lanh, Dual i-VVT, 1.5L, công suất tối đa 107 mã lực tại 6.00 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 140 Nm tại 4.200 vòng/phút. Hộp số là lựa chọn số sàn 5 cấp hoặc vô cấp CVT.

Xe nhập khẩu ấn tượng nhất: Honda CR-V

Không chỉ là mẫu xe nhập khẩu bán chạy nhất thị trường với doanh số 8.029 xe tính đến hết tháng 11, Honda CR-V còn gây ấn tượng khi là mẫu xe đầu tiên vượt qua được Nghị định 116.

Ngay trước khi Nghị định 116 có hiệu lực, Honda Việt Nam gấp rút thông quan 750 chiếc CR-V vào những ngày cuối cùng của năm 2017, chịu thuế nhập khẩu 30% như cũ và giá bán cũng tăng theo. Số xe này bán hết veo ngay trong tháng 1/2018, dù bản cao nhất có giá tới 1,256 triệu đồng, tăng 200 triệu đồng so với giá dự kiến khi ra mắt.

crv_7_cho_zing_1_of_1 9

 

Tháng 3/2018, Honda CR-V chính thức đáp ứng yêu cầu của Nghị định 116, nhập khẩu lô đầu tiên về Việt Nam với số lượng khoảng 1.000 xe và thuế nhập khẩu 0%. Giá xe trở về mức từ 958 triệu đồng đến 1,068 tỷ đồng.

Honda CR-V là một trong những cái tên hấp dẫn nhất phân khúc SUV/crossover tầm giá 1 tỷ đồng, với đối thủ lớn nhất là Mazda CX-5 lắp ráp trong nước. Ưu điểm của Honda CR-V là thiết kế 5+2 có thể chở được nhiều người hơn khi cần thiết. 

Xe mới ấn tượng nhất: Hyundai Accent

Ra mắt phiên bản mới vào tháng 4/2018, Hyundai Accent là mẫu xe mới gây ấn tượng nhất trong năm. Vượt qua Honda City, Accent trở thành cái tên bám đuổi Toyota Vios quyết liệt nhất trong phân khúc sedan hạng B. Trong 11 tháng đầu năm 2018, Hyundai Accent đạt doanh số 10.703 xe, xếp thứ 5 trong danh sách những mẫu xe bán chạy nhất trên thị trường.

Hyundai Accent có tổng cộng 4 phiên bản, gồm 1.4MT tiêu chuẩn, 1.4MT, 1.4AT và 1.4AT đặc biệt, giá bán từ 425 triệu đến 540 triệu đồng. Accent sử dụng động cơ Kappa 1.4L MPI, cho công suất 100 mã lực và mô-men xoắn 132 Nm.

hyundaiaccent20185 10

 

Phiên bản mới của Accent có thiết kế thể thao và cứng cáp hơn, cùng khá nhiều trang bị an toàn như cân bằng điện tử ESC, hỗ trợ khởi hành ngang dốc HAC, cảm biến và camera lùi cùng hệ thống 6 túi khí.

Thành công về mặt doanh số của tân binh Hyundai Accent có được có phần đóng góp của Nghị định 116. Là mẫu xe lắp ráp trong nước, xuất hiện trong giai đoạn thị trường xe hơi thiếu vắng những mẫu xe nhập khẩu là cơ hội để Hyundai Accent đạt những thành công nhất định.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn