• Zalo

Thị trường điện cạnh tranh từ 2024: Khách hàng được lợi gì?

Thị trườngThứ Hai, 07/09/2020 14:32:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đang tiến hành thí điểm để đến năm 2024 thực sự có môi trường điện cạnh tranh hoàn toàn.

Trước thông tin này, dư luận đặt câu hỏi: Các doanh nghiệp và người dân sẽ nhận được những lợi ích gì khi triển khai thị trường điện cạnh tranh? Liệu đưa thị trường điện cạnh tranh vào vận hành thì giá điện có giảm?

Trả lời VTC News về thắc mắc này, đại diện Bộ Công Thương cho biết, mục tiêu của thị trường điện cạnh tranh (VWEM) là tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch trong các khâu phát điện, bán buôn điện, bán lẻ điện. Tín hiệu từ giá thị trường điện là công cụ hữu hiệu cho các nhà đầu tư trong việc đánh giá xem xét khả năng đầu tư vào ngành điện.

Quá trình vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán buôn điện cạnh tranh vừa qua cũng cho thấy các đơn vị phát điện đã chủ động trong công tác vận hành, rút ngắn thời gian sửa chữa bảo dưỡng, cắt giảm chi phí vận hành, chủ động trong chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị, cũng như góp phần tối ưu chi phí chung cho toàn hệ thống điện.

Việc đưa thị trường VWEM vào vận hành sẽ bỏ vai trò độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong khâu mua buôn điện, đồng thời cũng là tiền đề quan trọng để phát triển tiếp lên cấp độ thị trường bán lẻ điện, đưa cơ chế cạnh tranh vào tất cả các khâu của ngành điện”, nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết.

Thị trường điện cạnh tranh từ 2024: Khách hàng được lợi gì? - 1

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, người dân sẽ được mua bán lẻ điện trực tiếp từ 2024. (Ảnh: EVN)

Về giá thị trường điện, theo đại diện Bộ Công Thương, nguyên tắc cơ bản của thị trường điện là giá thị trường phản ánh đúng các biến động chi phí đầu vào. Trong thời gian qua giá trần trên thị trường điện giao ngay đang được duy trì ở mức thấp  là 1.421 đồng/kWh do áp lực duy trì giá bán lẻ ở mức thấp. Mức giá trần trên thị trường điện do vậy chưa tạo được tín hiệu thu hút đầu tư vào ngành điện.

Trong thời gian tới, các nguồn điện có giá thành thấp (thủy điện, nhiệt điện than sử dụng than nội địa…) ngày càng chiếm tỷ trọng ít. Trong khi đó các nhà máy điện mới xây dựng đa phần phải dùng than nhập khẩu hoặc than trộn giữa than trong nước và than nhập khẩu, nhà máy sử dụng khí LNG nhập khẩu có giá thành cao.

"Vì vậy để  tiếp tục hoàn thiện thị trường điện, Bộ chủ trương sẽ hoàn thiện các cơ chế thị trường theo nguyên tắc giá điện sẽ do thị trường quyết định, thị trường điện phát triển đồng bộ, liên thông với giá trên thị trường nhiên liệu đầu vào như than, khí tự nhiên…Giá bán lẻ điện cũng cần phải điều chỉnh phủ hợp để phản ánh đúng chi phí mua điện đầu vào", đại diện Bộ Công Thương khẳng định.

Báo cáo tại phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trước Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội sáng nay 7/9, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện để từng bước hoàn thiện môi trường điện cạnh tranh.

Kết quả hiện nay các khâu phát điện và khâu mua buôn điện đã vận hành theo cơ chế thị trường, tạo môi trường minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh giữa các đơn vị phát điện.

Trong khâu phát điện đã tạo ra môi trường cạnh tranh. Số lượng các nhà máy điện tham gia thị trường điện đã tăng dần theo thời gian, nếu như năm 2012 mới chỉ có 32 nhà máy điện với tổng công suất là 9.200MW tham gia thị trường điện, thì đến nay đã tăng lên thành 100 nhà máy điện (tổng công suất đặt 27.711 MW).

Ở khâu mua buôn điện, EVN không còn giữ vai trò độc quyền, thay vào đó đã có thêm 5 Tổng công ty điện lực (Tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam, TP. Hà Nội, TP.HCM) tham gia mua điện, cũng như trực tiếp ký hợp đồng song phương với các nhà máy điện. Các tổng công ty điện lực mua điện trực tiếp từ thị trường điện tăng từ 8,8 tỷ kWh năm 2018 lên tới 17,7 tỷ KWh và dự kiến tăng lên 24,6 tỷ kWh.

Khâu cuối cùng là bán lẻ điện cạnh tranh, hiện nay đang tiến hành thí điểm để đến năm 2024 thực sự có môi trường điện cạnh tranh hoàn toàn. “Theo đó, giá điện có tăng, có giảm sẽ theo cơ chế giá đầu vào, giá thành sản xuất sẽ quyết định giá điện trên cơ sở công khai, minh bạch theo quy luật của thị trường với sự cạnh tranh bình đẳng của các thành phần tham gia thị trường điện”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn