Trong những ngày giữa tháng 6, thanh khoản trên thị trường chứng khoán Việt Nam khá ảm đạm. Giá trị giao dịch giảm xuống mức thấp kỷ lục. Vì vậy, nhà đầu tư không quá ngạc nhiên khi chỉ số VN-Index giảm mạnh.
Mở cửa phiên đầu tuần, VN-Index giảm nhẹ và lình xình trên mốc 1.000 điểm. Trong suốt đợt giao dịch sáng, thị trường rất ảm đạm cả về giá trị và điểm số. Tuy nhiên, tới chiều, thị trường bỗng dưng “sụp đổ”. Trong phần lớn thời gian, VN-Index “bốc hơi” trên 25 điểm. VN-Index dễ dàng đánh mất mốc 1.000 điểm.
Đóng cửa phiên đầu tuần, VN-Index giảm 29,17 điểm và đóng cửa ở mức điểm 987,34 điểm. Toàn sàn có 45 mã đứng giá, 217 mã giảm giá và chỉ có 74 mã tăng giá.
Kết thúc phiên giao dịch, toàn sàn TP.HCM có gần 181 triệu cổ phiếu, tương đương 4.610 tỷ đồng được chuyển nhượng.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn “đóng góp” nhiều nhất cho đà rơi của VN-Index. Vì thế, chỉ số VN30-Index cũng “rơi” nhanh hơn VN-Index. VN30-Index giảm 34,69 điểm, tương ứng 3,45% xuống 970,35 điểm. Trong nhóm, có 27 mã giảm giá, 0 mã đứng giá và chỉ 3 mã tăng giá.
3 mã tăng giá hiếm hoi là BVH, KDC và SBT. BVH tăng 500 đồng/CP lên 86.000 đồng/CP, KDC tăng 600 đồng/CP lên 33.100 đồng/CP, SBT tăng 50 đồng/CP lên 14.650 đồng/CP.
Trong khi đó, xét về tỷ lệ, SSI suýt rơi mạnh nhất khi suýt giảm sàn. SSI giảm 2.250 đồng/CP xuống 31.250 đồng/CP. Xét về số tuyệt đối, VNM giảm sâu nhất, giảm 7.300 đồng/CP xuống 172.700 đồng/CP, GAS giảm 5.900 đồng/CP xuống 90.000 đồng/CP, MWG giảm 5.800 đồng/CP xuống 118.000 đồng/CP.
Trong 74 mã tăng giá, rất ít mã tăng trần. Trong đó đáng kể nhất là cổ phiếu HAG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Mặc dù chỉ tăng nhẹ ở đầu phiên nhưng tới cuối phiên, bất chấp VN-Index lao dốc, HAG vẫn tăng 320 đồng/CP lên 5.010 đồng/CP. Trên bảng giao dịch điện tử, phía dư bán hoàn toàn trống trơn.
TLD, TDW, TCD, HTT cũng nằm trong danh sách các mã hiếm hoi tăng trần. Đa số các mã tăng trần đều là những cổ phiếu thị giá thấp. Ngoại trừ HAG, các mã này có khối lượng giao dịch khá thấp.
Không chỉ nhà đầu tư trong nước bán tháo, nhà đầu tư nước ngoài cũng mạnh tay “thoát hàng”. Chỉ riêng trên sàn TP.HCM, khối ngoại có phiên bán ròng khá mạnh với 10,87 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 488,83 tỷ đồng.
Trong danh sách bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài, VIC đứng đầu với 114,21 tỷ đồng. Đứng sau VIC là HPG (102,24 tỷ đồng), DXG (67,27 tỷ đồng), E1VFVN30 (54,14 tỷ đồng), VHM (33,23 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, VCB là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 20,84 tỷ đồng. Đứng sau VCB là CTG (7,52 tỷ đồng), IDI (6,69 tỷ đồng), BMP (3,39 tỷ đồng), NT2 (2,49 tỷ đồng).
Công ty chứng khoán FPTS bình luận, do thanh khoản chưa được cải thiện và thị trường vẫn đang phân hóa nên những tín hiệu cho giai đoạn biến động mới sẽ rõ ràng hơn trong diễn biến tuần này. Cơ hội lợi nhuận khả năng cao sẽ đến từ các cổ phiếu đồng thuận cao với nhịp phục hồi của thị trường từ cuối tháng 5/2018 cho đến nay.
Video: Những tỷ phú giàu nhất tài chứng khoán Việt Nam
Bình luận