Thí sinh có mặt từ sớm ở điểm thi, bắt đầu ngày thi thứ 2.
Tại điểm trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), Lê Đức Anh (học sinh trường THPT Cầu Giấy) tinh thần thoải mái bước vào ngày thi thứ hai kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hôm qua, đề Ngữ văn và Toán khá vừa sức với em, mức độ phân hoá đề thi cao hơn các năm trước, nam sinh nhẩm tính có thể đạt từ 7 đến 8 điểm.
Đức Anh dự định lựa chọn khối D vào Đại học Hà Nội và khối B xét tuyển vào Đại học Y Hà Nội. Vì vậy bài thi tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên hôm nay sẽ quyết định rất lớn tới nguyện vọng xét tuyển của em.
Với nguyện vọng vào Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Nguyễn Ngọc Linh đặt kỳ vọng cao ở bài thi Khoa học xã hội. Linh ôn tập theo cấu trúc đề thi minh họa, đặt chỉ tiêu giành điểm trọn vẹn ở môn Lịch sử - đây là môn em yêu thích nhất.
Thí sinh Hoàng Chi Bảo, học sinh trường THPT Láng Hạ (Hà Nội) vui vẻ chào mẹ, bước vào khu vực thi. Bảo lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội vì nguyện vọng xét tuyển chính của nam sinh là Đại học Luật. "Hôm qua em hoàn thành 70% môn Toán và Ngữ văn, nếu thêm thời gian em tin sẽ làm tốt hơn. Dù có chút tiếc nuối về bài thi nhưng em tin sẽ được 7 điểm/môn trở lên, đủ điểm đỗ vào trường đại học mong muốn".
Trong ngày thi đầu tiên, Bộ GD&ĐT cho biết, cả nước có 1.012.060 đăng ký dự thi tốt nghiệp với 63 hội đồng thi, gồm 2.272 điểm thi và 43.032 phòng thi. Cả ngày có 13 em vi phạm quy chế thi, trong đó có sự việc lọt đề thi khiến dư luận xôn xao.
Cụ thể, một đề Ngữ văn được đăng tải lên mạng xã hội vào lúc hơn 8h ngày 28/6. Hình ảnh cho thấy đề được chụp trong phòng thi, bên cạnh là tờ giấy làm bài là tờ giấy báo dự thi. Trong khi đó, theo quy định, thời gian làm bài môn Ngữ văn từ 7h35 đến 9h35. Thí sinh được ra khỏi phòng thi sớm nhất sau hai phần ba thời gian nhưng phải nộp hết cả đề thi và giấy nháp. Điều này đồng nghĩa, đề thi sẽ không được mang ra khỏi phòng thi trước 9h35.
Đến buổi chiều, sau khi thí sinh kết thúc bài thi môn Toán lúc 16h cũng xuất hiện nghi vấn lộ đề. Ngay khi tiếp nhận thông tin, Bộ GD&ĐT đã báo cho Cục An ninh chính trị nội bộ của Bộ Công an để xác minh. Trước mắt, Bộ này nhận định hai sự cố nói trên không ảnh hưởng đến kỳ thi.
Theo kết quả xác minh ban đầu, một thí sinh ở Cao Bằng dùng điện thoại chụp đề thi môn Văn gửi ra ngoài nhờ người thân giải hộ. Với đề thi Toán, lực lượng chức năng xác định thí sinh liên quan đến từ Hội đồng thi tỉnh Yên Bái. Thí sinh này bị nghi dùng điện thoại chụp ảnh đề thi, gửi ra ngoài.
Tối cùng ngày, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ra công điện khẩn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quán triệt tăng cường phổ biến, nhắc nhở thí sinh thực hiện nghiêm quy chế thi. Đồng thời, yêu cầu cán bộ coi thi, cán bộ giám sát phòng thi và các lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi tập trung cao độ, vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã được tập huấn để ngăn chặn các hành vi vi phạm quy chế thi, đặc biệt là việc sử dụng thiết bị công nghệ để gian lận thi cử.
Các địa phương cần tiếp tục, tăng cường phối hợp với lực lượng an ninh để có các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn kỳ thi trên địa bàn, đặc biệt là phòng ngừa và ngăn chặn việc sử dụng công nghệ cao để vi phạm quy chế thi.
Bình luận