Ngày 14/9, Đơn nguyên Xạ trị Hưng Việt - IOC (Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt) triển khai điều trị thí điểm cho bệnh nhân ung thư, với sự hỗ trợ của của Trung tâm Ung bướu Tích hợp Châu Á (IOC - mạng lưới các trung tâm điều trị ung bướu hoạt động tại Singapore, Hong Kong, Philippines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam). Cùng với việc triển khai thí điểm kỹ thuật xạ trị, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt ứng dụng cách tiếp cận điều trị ung bướu tích hợp với độ chính xác và hiệu quả cao, góp phần chia sẻ gánh nặng ung thư tại Việt Nam, đặc biệt trong đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát với nhiều diễn biến phức tạp, không ít bệnh nhân ung thư gặp khó khăn trong việc tiếp tục điều trị tại bệnh viện do lo ngại về nguy cơ lây nhiễm. Điều này ảnh hưởng đến lộ trình điều trị ung thư của bệnh nhân và hiệu quả điều trị lâu dài.
Ông Trần Vũ Phương, Giám đốc phụ trách Việt Nam của IOC cho biết: "Trong thời điểm giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19, nhận thấy các bệnh nhân ung thư gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đến các cơ sở y tế để tiếp tục phác đồ điều trị của mình, đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM. Đây là bất cập lớn bởi điều trị ung thư đòi hỏi sự kết hợp đa mô thức với sự chính xác về thời gian và tính liên tục điều trị”.
Hiểu được điều này, để đảm bảo an toàn phòng dịch và giúp bệnh nhân an tâm điều trị, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt thành lập Ban phòng chống dịch COVID-19. Bệnh viện triển khai các biện pháp phòng dịch chặt chẽ, khoa học. Toàn bộ bệnh nhân đến thăm khám hàng ngày đều được xét nghiệm nhanh COVID-19 và phân luồng để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Mô hình điều trị ung bướu tích hợp mà Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt áp dụng là phương pháp tiếp cận mới trong điều trị ung thư hiện nay. Thay vì bệnh nhân phải thăm khám, chẩn đoán và điều trị tại nhiều đơn vị y tế khác nhau hay mất nhiều thời gian chờ đợi vì tình trạng quá tải hệ thống, toàn bộ quá trình này ở Hưng Việt sẽ diễn ra tại một nơi, với thời gian tối ưu. Từng giai đoạn trong lộ trình điều trị của bệnh nhân được theo sát với các thông tin hỗ trợ từ chẩn đoán. Cách tiếp cận điều trị liền mạch này giảm được từng phân đoạn thời gian trong cả quá trình điều trị. Nó đặc biệt có ý nghĩa trong quá trình điều trị ung thư, vốn yêu cầu các mô thức điều trị khác nhau như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị đòi hỏi bệnh nhân phải trải qua các đơn vị điều trị khác nhau.
Nhờ quá trình điều trị diễn ra liền mạch, bệnh nhân có thể rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả chữa bệnh. Ví dụ, đối với điều trị xạ trị, khoảng thời gian từ khi bệnh nhân thăm khám, chẩn đoán, qua các bước đến khi thực tế điều trị tại Hưng Việt thường từ 2-5 ngày, ngắn hơn đáng kể so với thời gian chờ đợi có thể lên tới 1-2 tháng trong trường hợp quá tải ở các bệnh viện khác. Mọi dữ liệu bệnh nhân đều được tích hợp vào cùng một hệ thống giúp các bác sĩ có đầy đủ thông tin để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân và luôn có sự điều chỉnh kịp thời, chính xác.
Ông Eng Aik Meng – Chủ tịch IOC chia sẻ: “Sự gia tăng của số lượng ca mắc bệnh ung thư là vấn đề không chỉ ở riêng Việt Nam, mà là vấn đề chung của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Kinh nghiệm của chúng tôi tại các trung tâm IOC ở Hong Kong, Singapore, Philippines, Indonesia và Malaysia cho thấy cách tiếp cận điều trị ung thư liền mạch hoàn chỉnh mang đến các trải nghiệm điều trị tốt hơn cho bệnh nhân. Chúng tôi rất vui mừng với hoạt động ở Việt Nam thông qua Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt”.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IACR, thuộc WHO), số người mắc ung thư và tử vong do căn bệnh này trên thế giới có xu hướng tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, so với năm 2018, thế giới ghi nhận thêm hơn 2 triệu ca mắc mới ung thư, lên gần 19,3 triệu ca vào năm 2020. Còn tại Việt Nam, theo thống kê của WHO, số ca mắc mới ung thư cũng không ngừng tăng với tỷ lệ mắc 159,7/100.000 dân vào năm 2020. Tình trạng đáng báo động trên đòi hỏi cần có sự tham gia của các cơ sở y tế chuyên khoa đủ chuyên môn, năng lực và trang thiết bị đạt tiêu chuẩn điều trị cho bệnh nhân ung thư để cùng san sẻ gánh nặng.
Theo PGS.TS.BS Lê Chính Đại, hiện các thống kê ước tính của các cơ quan y tế, khoảng 50-60% bệnh nhân ung thư phải sử dụng phương pháp xạ trị. Đây là một phương pháp điều trị phổ biến đối với nhiều loại ung thư.
Cùng với việc đưa vào thí điểm kỹ thuật xạ trị tại đơn nguyên Xạ trị, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cũng được sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện K (bao gồm cả hỗ trợ hội chẩn, đào tạo, điều trị). Sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện K - đơn vị uy tín hàng đầu cả nước trong việc điều trị ung thư - sẽ giúp Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt nâng cao hiệu quả trong thăm khám và điều trị xạ trị cho bệnh nhân.
Ông Lee Kai Wee, Giám đốc điều hành của Hệ thống Y tế Hưng Việt cho biết, với việc đưa vào vận hành Đơn nguyên Xạ trị và được hỗ trợ bởi mạng lưới khu vực IOC, Hưng Việt mong muốn có thể tiếp thêm niềm hy vọng mới cho các bệnh nhân ung thư, giúp họ giảm bớt gánh nặng và nỗi lo lắng về căn bệnh của mình, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. "Hơn cả việc khám chữa bệnh, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, cùng các bệnh nhân vượt qua khó khăn và chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo này", ông Lee nói.
Bình luận