Tin từ cơ quan chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF), hải quan Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ba Lan trong thời gian qua ghi nhận một số lượng lớn các sản phẩm thép cuộn phủ sơn nhập khẩu từ Việt Nam có dấu hiệu gian lận thương mại.
Cụ thể, OLAF nghi ngờ khả năng có doanh nghiệp Trung Quốc bán thép vào Việt Nam rồi để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU dùng C/O Việt Nam để tránh thuế chống bán phá giá.
Theo thống kê của OLAF, có khoảng 190 chuyến hàng thép cuộn (trị giá khoảng 19 triệu USD) phủ sơn hoặc được xếp lên tàu tại các cảng của Việt Nam và/hoặc mang theo C/O Việt Nam do VCCI cấp đã được nhập khẩu vào EU trong giai đoạn 2013 – 2014.
Trả lời chúng tôi, bà Trần Thị Thu Hương (Giám đốc trung tâm xác nhận chứng từ thương Mại của VCCI) xác nhận, cơ quan này là đơn vị cấp giấy C/O cho mặt hàng thép Việt Nam xuất sang EU.
“Chưa thể khẳng định doanh nghiệp dùng C/O Việt Nam gắn mác cho thép Trung Quốc để xuất khẩu sang EU", bà Trần Thị Thu Hương nói.
Trước nghi ngờ từ OLAF, bà Trần Thị Thu Hương khẳng định: “Chúng tôi sẽ kiểm tra dữ liệu, xác minh thông tin này”.
Theo ông Phạm Chí Cường (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam), nếu nghi ngờ của OLAF là thật sẽ tiềm ẩn “mối nguy hại cho các doanh nghiệp thép chân chính của Việt Nam”.
Ông Cường cho hay, Trung Quốc hiện là nước sản xuất khoảng 50% sản lượng thép thế giới, nên các doanh nghiệp nước này có tình trạng bán phá giá. Hành vi gian lận thương mại này đã gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp sản xuất thép ở nước nhập khẩu.
“Ở Việt Nam, có thể có tình trạng doanh nghiệp thép Trung Quốc bán phá giá. Những doanh nghiệp này sau khi xuất khẩu thép ống sản xuất ở Trung Quốc sang Việt Nam sẽ hợp lý hóa nguồn gốc thép này ở Việt Nam rồi xuất sang các nước EU. Lúc này, các nước EU cứ nghĩ rằng, đó là thép do Việt Nam sản xuất, nhưng bản chất là thép của Trung Quốc", ông Phạm Chí Cường nói.
Việc làm này, theo nguyên Chủ tịch Hiệp hội thép, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam sang EU.
“Nhiều doanh nghiệp bị điều tra oan, bị mất uy tín và bị bạn hàng nghi ngờ chất lượng", ông Cường cho hay.
Để chống lại hiện tượng này, theo ông Cường, các doanh nghiệp trong nước cần đấu tranh, minh bạch hóa thông tin về sản phẩm của mình, chứng minh sản phẩm thép của mình là do Việt Nam sản xuất.
Đồng thời, thu thập và cung cấp bằng chứng về việc doanh nghiệp mạo danh thép Trung Quốc xuất xứ Việt Nam cung cấp cho cơ quan quản lý và hiệp hội.
“Cần phải ngăn cản việc này nếu không doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng uy tín, dẫn đến ảnh hưởng về xuất khẩu sản phẩm thép”, ông Cường khẳng định.
Xem video: 5 xe bọc thép đắt đỏ nhất hành tinh
Chung quan điểm với ông Cường, ông Nguyễn Văn Sưa (Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam) cho biết, nếu có tình trạng doanh nghiệp dán mác Việt Nam vào thép Trung Quốc rồi xuất khẩu sang EU thì sẽ gây hại lớn cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thép nội địa.
“Việc này sẽ khiến lượng thép Việt Nam xuất ra các nước ít đi, trong khi thép Trung Quốc lại được hưởng lợi một cách thiếu minh bạch, gian lận thương mại", ông Sưa nói.
Thứ nữa, theo ông Sưa, doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam sẽ chịu bất lợi khi các nước EU soi rất kỹ trước khi nhập khẩu mặt hàng này.
Không chỉ mất uy tín, theo ông Sưa, doanh nghiệp gian lận nếu bị phát hiện sẽ chịu phạt rất nặng.
Liên quan đến sự việc trên, với tư cách Phó chủ tịch Hiệp hội Thép, ông Nguyễn Văn Sưa khẳng định sẵn sàng hợp tác với OLAF để làm rõ vấn đề.
“Tôi mong muốn OLAF sẽ điều tra, chỉ ra những doanh nghiệp gian lận, từ đó bảo vệ các doanh nghiệp thép Việt Nam chân chính,” ông Sưa, nói.
Bình luận