• Zalo

Thêm một 'BOT làng' tồn tại hàng chục năm giữa Thủ đô

Thời sựThứ Sáu, 06/04/2018 12:18:00 +07:00Google News

Hàng chục năm qua, để phục vụ nhu cầu đi lại qua sông Đáy giữa hai xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội) và xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), một vài hộ dân đã tự xây dựng cầu và thu phí "BOT''.

Video: "BOT làng" tồn tại hàng chục năm giữa Thủ đô

Xã không có kinh phí, dân tự bỏ tiền xây “BOT làng”

Người dân sống gần cây cầu cho biết, cầu đã hình thành cách đây vài chục năm. Trước đây, để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân qua khu vực sông Đáy, một vài hộ dân của thôn Me Táo (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã cùng nhau xây dựng cây cầu bắc qua sông và thu phí từ đó.

Ban đầu, cây cầu chỉ là cầu tre nhỏ, khoảng chục năm trước mới xây dựng cầu bê tông như hiện tại.

“Cầu đã có từ rất lâu rồi, nếu không qua cầu mà đi đường vòng thì rất xa, cả chục cây số. Tôi thường xuyên đi lại qua cầu, mỗi ngày đi mất 1.000 đồng với xe đạp, còn nếu đi xe máy là 2.000 đồng”, bà Đỗ Thị Hợi (người dân xóm 9, xã Hiệp thuận) chia sẻ.

IMG_9407 6

 Cây cầu được hình thành cách đây hàng chục năm, nối hai xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức) và Hiệp thuận (huyện Phúc Thọ).

IMG_6924 7

 Cầu có chiều dài 12m, rộng khoảng 2m bắc qua một đoạn sông Đáy.

Theo ghi nhận của PV VTC News, cây cầu có chiều dài 12m, rộng khoảng 2m, nối hai xã Dương Liễu và Hiệp Thuận.

“Trạm thu phí” của cầu được đặt ở bên đầu xã Dương Liễu. Tại đây, luôn có một người thu phí các phương tiện qua lại. Việc thu phí bắt đầu từ 4h và kéo dài đến khoảng 18h hàng ngày.

Ông Nguyễn Hữu Tình (người dân thôn Me Táo, xã Dưỡng Liễu), một trong những hộ gia đình bỏ tiền ra xây cầu cho biết: “Cầu xây cũng lâu rồi, khoảng từ năm 1988, ban đầu có 5 nhà cùng chung làm. Việc thu phí bắt đầu từ sau khi làm cầu xong, chúng tôi đã xin phép chính quyền địa phương. Số tiền thu được một phần dùng để duy tu, bảo dưỡng cây cầu và đóng góp một phần vào ngân sách của xã hàng năm”.

Mức phí qua cầu được áp dụng là 1.000 đồng đối với xe đạp, 2.000 đồng với xe máy, còn ô tô là 5.000 đồng cho cả lượt đi và về.

IMG_9423 8

"Trạm thu phí" được đặt bên đầu cầu xã Dương Liễu, các phương tiện đi lại qua cầu trả tiền trực tiếp cho người thu tại đây.

Liên quan đến việc người dân tự xây cầu và thu phí, ông Phí Đình An, Chủ tịch UBND xã Dương Liễu cho biết: “Cây cầu đã được xây dựng từ rất lâu rồi. Do nhu cầu giao thương, đi lại của người dân hai xã, một vài hộ gia đình của thôn Me Táo tự xây dựng và thu phí qua cầu.

Chính quyền địa phương biết việc thu phí và cũng yêu cầu các hộ gia đình này phải đóng góp một phần nguồn thu vào ngân sách chung của xã, mức phí vài năm trở lại đây là 1 triệu đồng/năm”.

Nhìn nhận việc thu phí của người dân như vậy là không đúng với quy định của pháp luật, nhưng Chủ tịch UBND xã Dương Liễu cho rằng, tại thời điểm hiện tại xã chưa thể có giải pháp khác.

Ông An cho rằng việc đi lại, thông thương của người dân vẫn phải được đảm bảo, trong khi đó xã lại không có kinh phí để xây dựng cầu mới.

“Xã sẽ yêu cầu các hộ thu phí phải có cam kết xin phép và đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân đi lại qua cầu”, ông An nói thêm.

IMG_9444 9

Mức phí thu được áp dụng là 1.000 đồng đới với xe đạp, 2.000 đồng với xe máy/ngày.

IMG_9410 10

Ô tô trọng tại dưới 1 tấn có thể qua cầu, mức phí đối với phương tiện này là 5.000 đồng cho cả lượt đi và về.

Mong xây cầu mới

Những người dân sinh sống hai bên bờ cây cầu cho biết, họ đều mong chờ Nhà nước sẽ sớm xây dựng cầu mới, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày một nhiều của người dân. 

Cây cầu hiện tại do các hộ gia đình tự xây dựng chỉ là cầu nhỏ, tải trọng thấp. Cầu chỉ có thể cho xe ô tô trọng tải dưới 1 tấn đi qua. Đặc biệt, vào mùa mưa, những ngày mưa to liên tục, nước ngập quá cầu, người dân không thể đi lại.

“Mưa ngập cầu là không đi được, đã từng có người cố đi qua bị ngã xuống đó nhưng may mắn không sao”, bà Trần Thị Triển (xã Hiệp Thuận) cho biết.

Việc có cầu mới cũng chính là mong muốn của các hộ dân đang thu phí cầu nơi đây.

“Thực ra việc thu phí này cũng chẳng đáng là bao, nếu Nhà nước xây dựng một cây cầu to đẹp hơn để người dân đi lại thuận tiện, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ.

Tuy nhiên, nếu xây cầu mới cũng mong Nhà nước có chính sách đền bù, hỗ trợ chúng tôi cho cây cầu cũ này”, người thu phí cầu bày tỏ.

Về vấn đề xây dựng cầu mới, ông Phí Đình An, Chủ tịch UBND xã Dương Liễu cho biết: “Vấn đề này xã cũng đã nhiều lần đề xuất lên trên nhưng vẫn chưa được đáp ứng.

Sắp tới, xã sẽ tiếp tục kiến nghị các cấp ngành có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét đầu tư cầu cứng tạo điều kiện cho việc đi lại, giao lưu giữa hai xã được thuận lợi, an toàn và đảm bảo hơn”.

Xuân Trường - Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn