• Zalo

Thêm cáp biển AAE-1 gặp sự cố, Internet Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng

Sản phẩmThứ Ba, 06/12/2022 14:55:38 +07:00Google News

Trong khi các lỗi trên tuyến cáp quang biển quốc tế AAG vẫn chưa được khắc phục xong thì mới đây 1 tuyến cáp biển khác là Asia Africa Europe 1 (AAE-1) lại gặp sự cố.

Trong thông tin mới chia sẻ với VietNamNet, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, từ cuối tháng 11 đến nay, toàn bộ lưu lượng trên tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Africa Europe 1 (AAE-1) bị mất do gặp sự cố. 

Nguyên nhân được xác định là do lỗi “Shunt fault” (dò nguồn - PV) trên phân đoạn S1H của tuyến cáp AAE-1, với vị trí lỗi các trạm Aguilar nằm trong vùng biển HongKong (Trung Quốc) khoảng 3,21 km. 

Đại diện ISP này cũng cho biết hiện chưa có lịch sửa chữa, khắc phục sự cố trên tuyến cáp biển AAE-1.

Thêm cáp biển AAE-1 gặp sự cố, Internet Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng - 1

Sơ đồ hệ thống cáp quang biển quốc tế AAE-1.

Đi vào hoạt động từ tháng 7/2017, tuyến cáp biển AAE-1 đóng vai trò nâng cao chất lượng kết nối hướng châu Âu, Trung Đông cũng như cung cấp bổ sung thêm dung lượng và dự phòng tới hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc), Singapore.

Điều đáng nói là, ngoài sự cố mới xảy ra trên tuyến AAE-1, còn 1 tuyến cáp quang biển khác là Asia America Gateway (AAG) vẫn đang bị lỗi. 

Cụ thể, lần lượt vào trung tuần tháng 2 và cuối tháng 6/2022, tuyến cáp AAG liên tiếp gặp sự cố trên các hướng kết nối đi Singapore và HongKong (Trung Quốc). Với hướng cáp Singapore, AAG gặp sự cố trên nhánh S1B, S1D và lỗi nguồn tại trạm cập bờ TungKu (Brunei); ở hướng kết nối Hong Kong (Trung Quốc), AAG bị lỗi trên nhánh S1H và S1I.

Trong đó, lỗi trên nhánh S1H hướng Hong Kong (Trung Quốc) đã được sửa xong từ tháng 9 và dự kiến sự cố trên nhánh S1I sẽ được sửa xong vào ngày 8/12. Còn với hướng kết nối đến Singapore của AAG, hiện chưa có lịch sửa chữa, khắc phục sự cố.

AAG là tuyến cáp biển được đưa vào vận hành từ hơn 12 năm trước, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Từ khi được đưa vào khai thác đến nay, AAG đã nhiều lần gặp sự cố. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lưu lượng AAG vẫn được nhiều nhà mạng trong nước sử dụng với tỷ lệ lớn. 

Nói về ảnh hưởng của những sự cố cáp biển đến tốc độ truy cập Internet từ Việt Nam đi quốc tế, các chuyên gia cho hay, doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia khai thác một số tuyến cáp quang biển quốc tế AAG, SMW3, Liên Á (IA), AAE-1 và APG. 

Băng thông kết nối Internet quốc tế ở Việt Nam phần lớn thông qua các tuyến cáp quang biển nêu trên, do đó việc có từ 1 - 2 tuyến cáp gặp sự cố sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ truy cập Internet quốc tế của người dùng. Các chuyên gia cũng cho rằng, sắp tới khi 2 tuyến cáp biển SJC2 và ADC có nhà mạng Việt Nam tham gia đầu tư, được đưa vào vận hành, chất lượng dịch vụ Internet quốc tế sẽ được cải thiện, nâng cao hơn.

Hiện tại, để giảm thiểu ảnh hưởng sự cố cáp biển đến người dùng dịch vụ, mỗi khi có tuyến cáp biển gặp sự cố, các ISP trong nước đều triển khai những phương án dự phòng, thực hiện đấu nối ứng cứu khẩn đến các hướng nhà cung cấp dịch ưu tiên; lên kế hoạch đấu nối tăng cường mở rộng cáp biển hoặc mở rộng những kênh kết nối trên đất liền, vệ tinh… theo nhiều hướng khác nhau.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn