Nếu chỉ nhìn vào những cuộc thi chỉ trong vài ngày cuối tuần trên sóng truyền hình có thể tự hào rằng: Người Việt nằm trong Top yêu âm nhạc nhất thế giới.
Từ Sao Mai điểm hẹn đến The Voice - Giọng hát Việt (sắp tới là cả Việt Nam Idol cũng qua vòng thử giọng) cho thấy người Việt không chỉ hay hát mà còn có khả năng hát hay.
Vấn đề là trong những chương trình được Việt hóa như "Tìm kiếm tài năng" hay The Voice, nhiều người cứ thắc mắc là tại sao đa số thí sinh chỉ thích nhảy, hay hát nhạc ngoại thay vì "thuần Việt" tiết mục của mình?
Khán giả nói đó là do lớp trẻ sính ngoại, cũng chưa hẳn đã đúng. Hoặc những bài hát tiếng Việt không "khoe" được giọng thí sinh? Cũng có lý. Thực tế thì đúng là với người nghe nói chung chuyện hát bài Tây để lấy điểm của giám khảo và lấy lòng của khán giả là chuyện bình thường. Thậm chí hát nhạc Tây cũng là cách che đi khuyết điểm của mình.
Điều mà không ít nhà giáo dục e ngại và cảnh báo rằng có thể chúng ta đang vô tình định hướng cho lớp trẻ rằng: một chương trình ngoại nhập, phải dùng tiếng Anh mới sang, phải hát tiếng Anh mới sành điệu, ai cố gắng hát tiếng Việt sẽ tự biến thành… nhà quê?!
Đó rõ ràng không phải là điều mà chúng ta hướng tới. Hòa nhập với thể giới là một nhu cầu nhưng giữ được cái của mình lại là câu chuyện khác.
Lấy Tây về để theo ta hay là để ta theo… Tây?
Cách đây chục năm, khi bóng đá Việt chập chững con đường chuyên nghiệp hóa, khi bàn về việc thuê cầu thủ ngoại về thi đấu, cố nhà báo Tường Vi có bài viết rất hay đã đặt thẳng vấn đề "Lấy Tây về để theo ta hay là để ta theo… Tây?", rằng: Một đội như Công An HN sau này chuyển giao thành Hàng Không VN vẫn giữ được lối chơi đặc sắc cho đến khi các cầu thủ ngoại xuất hiện. Vấn đề là lấy những cầu thủ ngoại ấy để họ "chơi theo cách của mình" hay tất cả những cầu thủ nội phải từ bỏ truyền thống để vận hành lối chơi theo cách của mấy ông Tây?
Cũng không có câu trả lời ngay. Thực tế thì đa số các đội bóng, để nhanh gọn thì chơi kiểu lấy Tây để theo Tây. Nghĩa là cầu thủ nội sẽ trở thành phong nền cho những màn trình diễn của các cầu thủ ngoại. Không ít đội bóng đá thành công theo các này.
Theo Ta hay theo…Tây không quan trọng |
Thế nhưng, hệ quả của nó là chúng ta hầu như không còn nhận ra sự khác biệt giữa các đội bóng. Cuối cùng, V.League trở thành một giải đấu mà các đội chơi nhang nhác nhau. Điều này cũng dẫn đến việc lâu nay ta cứ loay hoay tìm lối chơi Việt cho đội tuyển.
Sẽ có người lập luận thế này: Chuyện theo Tây hay theo Ta không quan trọng. Như chương trình The Voice trên truyền hình, hát tiếng nào chẳng tốt, miễn là khán giả thấy hay và nó đi đúng vào nhu cầu giải trí của người xem.
Bóng đá cũng vậy, điều quan trọng là một giải đấu hấp dẫn, tại sao lại phải nhọc công tìm "chất riêng" của mình.
Không đơn giản như vậy khi ở cả 2 lĩnh vực đó, chúng ta đang chấp nhận đánh đổi cái nhất thời và mất dần những giá trị tiềm ẩn của tương lai.
Song An (Thể thao 24h)
Bình luận