Kỳ 6: Bình phong lạc nhạn diệt cọp dữ
Nhắc đến đạo sĩ Ba Lưới, vị đạo sĩ cuối cùng của vùng Thất Sơn (An Giang) huyền thoại, người dân trong vùng đều biết đến chuyện ông từng sử dụng quyền cước, võ khí tiêu diệt hai con rắn hổ mây khổng lồ, nặng cả trăm kg.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trong đời hành đạo của mình, những tháng ngày ở rừng, ông từng sử dụng thế võ hiểm tiêu diệt một con cọp hung dữ, đòi ăn thịt ông.
Vùng đất nhiều cọp dữ
Đạo sĩ Ba Lưới hiện đã hơn 100 tuổi. Ông sống ẩn dật ở một khe núi có tên Long Hổ Hội, cuối ấp Thiên Tuế, gần đỉnh Thiên Cấm Sơn.
Hỏi chuyện vồ loài cọp, đạo sĩ Ba Lưới vuốt chòm râu bạc trắng, rồi hồi tưởng lại những tháng ngày tu luyện ở vùng núi non hoang thẳm.
Hồi đầu thế kỷ 20, toàn bộ vùng Thất Sơn rừng rậm, hoang vu, chẳng có bóng người. Rừng trải dài dọc biên giới. Giữa vùng hoang rậm, đột khởi lên 7 ngọn núi, nên gọi là Thất Sơn.
Vùng Thất Sơn vốn có nhiều cọp dữ |
Đạo sĩ Ba Lưới kể: “Giờ nói chuyện cọp beo, thì chẳng ai tin được nữa. Nhưng nói cháu biết, ngày xưa, tui sống ở đây là sống giữa bầy cọp. Cọp gầm um cả rừng, cọp nằm bên tảng đá sưởi nắng, thung thăng đi bên suối uống nước”.
Chuyện cọp thi thoảng từ rừng mò về các ấp bắt người diễn ra liên tục. Người dân quanh vùng Thất Sơn đều sợ cọp, sợ rắn, nên chẳng ai dám vào. Trên núi Thất Sơn chỉ có những đạo sĩ ẩn tu. Các đạo sĩ đều có võ nghệ cao cường, nên không sợ bất cứ loài thú dữ nào cả.
Để tìm hiểu về loài hổ vùng Thất Sơn, tôi đã lục lại tài liệu cũ. Trong ký sự “Tổ tông nhà hổ” của nhà văn Đoàn Giỏi, ông có kể một số chuyện về cọp ở vùng Thất Sơn.
Theo đó, hồi đầu thế kỷ 20, ở núi Sam (Châu Đốc, An Giang) có rất nhiều cọp. Đêm đêm, dân làng quanh chân núi không dám ra khỏi nhà vì tiếng cọp gầm vang dội trên núi.
Bà Hai sáng nào cũng gánh cá ra chợ Cầu Sắt bán. Một hôm, đi qua khúc vắng Đường Tháp, bất ngờ gặp con cọp lớn, mình mẩy vằn vện, ngồi choải chân giữa đường. Bà hoảng hồn liệng gánh cá chạy thục mạng về nhà.
Đạo sĩ Ba Lưới |
“Cách đây 60 năm, có ông Chín chuyên nghề xom rùa xom rắn. Một hôm, ông xách chĩa đi đến Búng Hồ (địa danh cũ, một hồ rộng, gần ngã ba Đầu Bờ), tình cờ nhìn vô đám sậy, ông thấy một con vật ngồi thu lu bên trong, cặp mắt sáng ngời.
Tưởng gặp con chồn lớn, ông giương mũi chĩa, dùng hai tay đâm mạnh vào mặt nó, nhưng con vật lanh lẹ né qua, rồi nhanh như chớp, nó phóng mình lên cao, giương hai chân chụp xuống đầu ông.
Bị bất ngờ, nhưng vốn người giỏi võ, ông uốn mình né ngang, tuy nhiên, vẫn bị vướng một vuốt nhọn sướt qua da ót. Bấy giờ, ông mới biết là cọp.
Cọp xuống núi là cọp đói. Đang đói nó tấn công càng hung bạo. Sau một tiếng gầm vang dội, con cọp lại phóng mình lên. Với mũi chĩa trên tay, ông Chín dùng tất cả các miếng võ gia truyền đánh quyết liệt với con cọp.
Đạo sĩ Ba Lưới ẩn tu đã 80 năm trên núi Thất Sơn |
Bọn hội tề nghe tin dân làng đánh chết được con cọp lớn, chúng vội đến chở xác cọp ra Châu Đốc nộp cho thằng Tây tỉnh trưởng để tâng công. Thằng Tây thưởng cho bọn hội tề được 2 đồng”.
Bình phong lạc nhạn diệt cọp dữ
Đạo sĩ Ba Lưới tên thật là Nguyễn Văn Y, quê ở Chợ Mới (An Giang). 19 tuổi, ông bỏ nghề chài lưới, lên đỉnh Thất Sơn để tìm thầy học võ.
Nhờ cơ duyên, đạo sĩ Ba Lưới gặp được ông thầy có tên Trường Sơn. Ông thầy này ẩn danh, tu luyện trong một hang núi, không giao du với ai.
Thầy Trường Sơn đã dạy ông Ba Lưới nhiều bài thuốc cứu người. Đặc biệt, đạo sĩ Trường Sơn đã dạy Ba Lưới thế võ vô cùng bí ẩn, có tên Bình phong lạc nhạn.
Thế võ này chủ đạo đánh trên không. Mỗi cú nhảy lên không trung, phải tung được 3 cước. Để học được thế võ, ông Ba Lưới phải rèn luyện sức khỏe khủng khiếp.
Hàng ngày, ông vác những cục đá nặng 100-200kg, chạy phăm phăm leo dốc. Đôi chân Ba Lưới cứng như thép, có thể nhảy vọt lên không trung vài mét. Thế võ này đặc biệt hữu dụng khi đối đầu với các loài thú dữ trong rừng.
Đường lên đỉnh Thiên Cấm Sơn |
Vào năm 1943, trong lúc vào rừng lấy thuốc, trên đường đi, một con cọp rất lớn lừ đừ bước từ rừng ra, hai mắt nhìn ông trừng trừng.
Ông dừng lại, nhìn thẳng vào mắt nó. Với các đạo sĩ ẩn tu ở Thiên Cấm Sơn, chuyện gặp hổ là cơm bữa, nên họ không nao núng. Hầu hết bọn hổ đều bỏ đi, hoặc chạy trốn khi gặp đạo sĩ, nhưng con hổ này thì không như vậy, nó đứng chặn đường đạo sĩ Ba Lưới.
Đạo sĩ Ba Lưới kể: “Cả đời tui học võ để rèn đạo và tự vệ chứ không phải để đánh nhau với muông thú. Chuyện giết hai con hổ mây khổng lồ và con cọp cũng vậy. Tui giết nó để tự vệ”.
Biết rằng, con cọp này đang đói, nhất định đòi ăn thịt người, nên đạo sĩ Ba Lưới đã thủ thế, tìm cách tránh con cọp này.
Con cọp đập đuôi, gầm lên, rồi phóng tới như vũ bão. Đạo sĩ Ba Lưới phi thân lên không trung để né cú vồ của con cọp.
Vừa chụp hụt, nó vòng người ra phía sau, liên tiếp tung ra những cú vồ, tát, khiến cây cối rung chuyển, lá rụng tả tơi. Đạo sĩ Ba Lưới liên tiếp tránh những đòn tấn công của nó. Càng tránh, con cọp càng tấn công điên cuồng. Nó liên tiếp thủ thế, phi thân, vừa cắn, vừa tát.
Biết rằng, con cọp này rất dữ tợn, không giết được đạo sĩ Ba Lưới, thì nó cũng tìm người khác ăn thịt, nên đạo sĩ Ba Lưới đã quyết định hạ nó. Thời điểm đó, có một số người dân quanh vùng mất tích không rõ nguyên nhân. Có thể do con cọp này bắt. Loài cọp đã ăn thịt người, thì nó sẽ quen mùi, và tiếp tục tìm người để bắt.
Đạo sĩ Ba Lưới đã sử dụng thế võ Bình phong lạc nhạn tiêu diệt cọp dữ |
Con cọp đau đớn gầm lên dữ dội. Có lúc nó quỵ xuống, nhưng rồi lại vùng lên tiếp tục tấn công. Đạo sĩ Ba Lưới cũng không nương tay, tung các thế hiểm.
Con cọp tuy đã đuối sức, nhưng vẫn phóng lên không trung chụp tới nhanh như chớp. Đạo sĩ Ba Lưới đã thủ thế quyết ra đòn cuối cùng.
Toàn bộ sức lực ông dồn cả vào cánh tay. Đôi chân cứng như thép bật mạnh lên không trung. Lần này, ông không tránh đường tấn công của con cọp, mà phi thân lao thẳng về phía nó.
Nắm đấm và cánh tay đạo sĩ Ba Lưới biến thành chiếc búa thép táng thẳng vào đầu con cọp. Con cọp rơi xuống đất theo thế cắm đầu. Nó giãy đành đạch trên mặt đất một lát thì chết. Cú đánh của đạo sĩ Ba Lưới làm vỡ sọ con cọp.
Đạo sĩ Ba Lưới gọi nhân dân dưới chân núi khênh con cọp về ấp làm thịt chia nhau.
Sau lần đó, cọp dữ Thất Sơn gặp đạo sĩ Ba Lưới đều chạy mất hút. Loài cọp cũng vắng bóng dần ở vùng Thất Sơn. Giờ, chuyện về cọp ở Thất Sơn chỉ còn là huyền thoại.
Phạm Ngọc Dương
Bình luận