Nhân viên bị ảnh hưởng cuộc sống rất nhiều bởi cách quản lý của cấp trên. (Ảnh: The Prindle Post) |
Khi một nhân viên thường xuyên cảm thấy bị choáng ngợp, mệt mỏi và chịu sự quản lý kém ở văn phòng, nỗi sợ hãi sẽ len lỏi vào mọi ngóc ngách trong cuộc sống của họ. Và không khoảng thời gian nghỉ ngơi nào có thể giúp điều chỉnh lại cán cân cuộc sống - công việc bị hủy hoại bởi cách quản lý tệ của một công ty hoặc một bộ phận.
Vì vậy, một người sếp thực sự là người nhận ra rằng công việc của họ là đảm bảo cho nhân viên có thời gian nghỉ ngơi và thực sự phục hồi sau khi làm việc.
Ngừng đổ lỗi cho người lao động
Phần lớn bài viết tư vấn nghề nghiệp đều đang cho rằng người lao động phải “tự khắc phục tình trạng burnout (kiệt sức)” với những quan điểm như “đừng đổ lỗi cho sếp khi bạn kiệt quệ” hay “cố gắng thực hiện những hành động nhỏ tử tế để giải quyết vấn đề”.
Các bài viết đưa ra những “mẹo đối phó với tình trạng burnout” đều ngầm ám chỉ rằng người lao động phải chịu trách nhiệm điều chỉnh sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của mình. Nhưng điều này là sai lầm, vấn đề đó không bao giờ thuộc về lỗi của người lao động.
Nhiều nhân viên bị đổ lỗi cho những vấn đề gặp phải trong khi các công ty và sếp thì không, dù công việc của một nhà quản lý là kiểm soát khối lượng công việc của cấp dưới.
Một người cấp trên nên hiểu công việc mà nhân viên mình đang làm và thời gian hoàn thành nó, từ đó có thể cảm thông với họ. Môi trường làm việc độc hại do một người quản lý tồi gây ra cũng giống như một mối quan hệ lãng mạn tồi tệ: nó làm sai lệch nhận thức của một người về thế giới xung quanh, khiến thời gian nghỉ ngơi trở nên không hiệu quả khi cứ quanh quẩn suy nghĩ về những điều tồi tệ chờ đợi mình vào ngày mai.
Nhân vật Peter Weller trong bộ phim Buckaroo Banzai từng nói: “Dù đi đâu, cái bóng của bạn vẫn luôn ở phía sau”. Đó cũng giống như vấn đề với những người sếp độc hại. Dù nhân viên có thể đã nghỉ ngơi hợp lý, một quản lý tồi luôn có cách để tiếp cận họ.
Đó có thể chỉ là dòng tin nhắn “tôi hỏi cái này chút” vào 19h, khi nhân viên đang cố gắng nghỉ ngơi. Và khi cấp dưới cố gắng lùi lại, đặt ra các ranh giới thích hợp, họ bị những người quản lý độc hại buộc tội là “nghỉ việc trong im lặng” (quite quitting).
Khắc phục vấn đề cân bằng công việc - cuộc sống cần bắt đầu từ việc điều chỉnh những người cấp trên trực tiếp. Cần loại bỏ những người sếp liên tục khiến nhân viên mình kiệt sức và tạo ra hệ thống đảm bảo rằng công việc được phân đều trong nhóm, xác nhận mỗi người được giao phần việc trong khả năng của mình.
Thay đổi
Các công ty thực sự quan tâm đến việc cân bằng công việc - cuộc sống cho nhân viên cần thực hiện những thay đổi quan trọng, có ý nghĩa để thể hiện điều đó. Công ty có thể hỏi nhân viên xem sự cân bằng trong quan điểm của họ là như thế nào, thay vì chỉ tự ý đưa ra các thay đổi tại nơi làm việc.
Ví dụ, công ty ứng dụng hẹn hò Bumble đã cho tất cả nhân viên nghỉ một tuần để giải quyết tình trạng burnout. Tuy nhiên, trớ trêu là việc cho tất cả nghỉ cùng lúc lại gây kiệt sức nhiều hơn.
Công việc không tự biến mất khi nhân viên đi nghỉ, bởi vậy, toàn bộ công ty ngừng làm việc sẽ tạo ra hiệu ứng dây chun, cảm giác nghỉ ngơi nhẹ nhõm sẽ bị thay thế bởi nỗi bồn chồn về nhiệm vụ chưa hoàn thành.
Đầu tiên, một công ty phải tạo ra hệ thống thực sự giúp người lao động an tâm khi tạm nghỉ ngơi thay vì lo lắng về đống công việc khi trở lại. Điều này cũng đòi hỏi các nhà quản lý và điều hành phải nắm rõ công việc hàng ngày và công việc đó sẽ được hoàn thành như thế nào, bởi ai. Đồng thời, người quản lý cần đảm bảo nhóm của mình giải quyết được công việc khi có một thành viên nghỉ ngơi thay vì lâm vào khủng hoảng, bực bội.
Ngoài các kỳ nghỉ, công ty cũng cần có văn hóa ưu tiên mọi người nạp năng lượng, ví dụ như chỉ hoạt động từ 9h đến 17h, không trao đổi công việc trước 8h hay sau 16h30 và có quy định phạt người vi phạm.
Các công ty cần coi nguồn nhân lực là tài sản có giá trị cao nhất và xem chính sách cân bằng công việc - cuộc sống như cách tận dụng tối đa nguồn lực này. Điều này cũng có nghĩa là ban lãnh đạo phải có trách nhiệm duy trì sự cân bằng và cuộc sống lành mạnh cho nhân viên. Mỗi khi có ai đó bị quá tải công việc, người quản lý cần phải chịu trách nhiệm.
Đây là bài viết đăng trên Insider của Ed Zitron, giám đốc điều hành EZPR - cơ quan quan hệ công chúng về kinh doanh và công nghệ, về vai trò của những người quản lý trong việc cân bằng đời sống - công việc cho nhân viên. Ông cũng là tác giả của bản tin văn hóa và công nghệ Where's Your Ed At.
Bình luận