Theo BS CK1 Đào Thị Yến Thủy - Trưởng Khoa Dinh Dưỡng Bệnh Viện Quốc Tế Hạnh Phúc, thời điểm ăn dặm thích hợp của con là vào lúc 6 tháng, khi chức năng tiêu hóa của ruột và khả năng thận của trẻ đã khá hoàn thiện, sẵn sàng cho việc ăn uống ngoài sữa. Mặt khác, nhu cầu các chất khoáng như sắt, kẽm bắt đầu có thể bị thiếu hụt từ khoảng 6 tháng tuổi nên cần bổ sung thêm từ việc ăn dặm.
Trước hết, Mẹ hãy nắm rõ lượng ăn của bé theo tháng tuổi như sau:
- Bé 6 tháng: Là giai đoạn tập ăn nên lúc đầu chỉ cần ăn dặm 1 bữa/ngày, mỗi bữa ăn chỉ vài muỗng (từ ít đến nhiều)
- Đến khoảng 7 tháng có thể tăng lên 2 bữa mỗi ngày khi lượng ăn mỗi bữa được khoảng nửa chén (chén 200ml). Bên cạnh những bữa ăn dặm, các cữ sữa khác vẫn duy trì đủ theo yêu cầu của bé
- Từ 8-9 tháng: Ăn bột, cháo sệt 2 bữa mỗi ngày, mỗi bữa khoảng 1/2 - 2/3 chén với đủ 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn. Bên cạnh đó, bé vẫn bú sữa nhiều lần, bú đêm cho đủ nhu cầu tăng trưởng.
- Từ 9-12 tháng: Bé ăn bột, cháo 2-3 bữa mỗi ngày với khoảng 2/3-1 chén mỗi bữa. Ăn thêm trái cây tươi và các loại thức ăn mềm như phomai, bánh flan, rau câu, đậu hũ đường, … và sữa vẫn không thể thiếu trong khẩu phần hàng ngày của bé.
- Từ 12-24 tháng: Bé ăn bột, cháo 3-4 bữa mỗi ngày với số lượng khoảng 1 chén đầy mỗi bữa ăn. Có thể tập ăn các món nước khác như bún, phở, nui, hủ tíu, miến, bánh canh, hoành thánh… để đổi món cho bé. Đến lúc này có thể đa dạng hóa các loại sữa bột, sữa tươi, sữa chua,… để bé không ngán và nên cố gắng cho uống khoảng 500ml sữa trở lên mỗi ngày. Trái cây tươi 1-2 lần mỗi ngày sẽ cung cấp đủ sinh tố cho bé.
Khi cho ăn, mỗi chén bột, cháo của bé phải có đủ cả 4 nhóm thực phẩm mới đảm bảo đủ chất. Không tính giai đoạn đầu ăn dặm chỉ với 1 loại thực phẩm, dần dần bé được tập quen với các thực phẩm khác cho được 2 rồi 3-4 nhóm thực phẩm, lúc đầu cho ăn ít sau đó tăng dần lên cho đủ lượng như sau: với 1 chén bột hay cháo đầy (chén 200ml) thì cần có thêm (đong bằng muỗng canh - loại muỗng to bằng 2 muỗng cà phê):
- 2 muỗng chất đạm băm nhuyễn
- 2 muỗng chất rau , củ … băm nhuyễn, tán nhuyễn
- 1-2 muỗng dầu ăn
- 1-2 giọt nước mắm để tăng khẩu vị cho trẻ ngon miệng hơn
Để giúp cho con có thói quen ăn uống tốt và đủ dinh dưỡng, bạn hãy nhớ những điều sau:
- Tập cho bé ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm khác nhau ngay từ đầu, vì lúc này bé rất dễ tiếp nhận nhiều loại thực phẩm với mùi vị khác nhau
- Chế biến thức ăn phù hợp với lứa tuổi và bộ răng sữa của bé, thay đổi nhiều loại thức ăn đa dạng và ngon miệng để bé không bị ngán.
- Tạo không khí bữa ăn vui vẻ, có đồ chơi, tiếng nhạc, tiếng cười… để bé cảm thấy thoải mái
- Hãy làm bé thích thú với bữa ăn bằng các loại chén muỗng có hình thù ngộ nghĩnh, màu sắc tươi sáng. Nếu có thể nên cho bé ăn cùng lúc với bữa cơm gia đình, cho phép bé tự múc ăn… Tuy bé có trây bẩn một chút nhưng sẽ làm bé vui và ăn nhiều hơn.
- Hãy cho phép bé được tham gia vào việc chọn lựa món ăn, hãy hỏi “Con thích ăn cái này hay cái kia?” thì bé sẽ sẵn sàng ăn một trong hai thứ thay vì bắt bé phải ăn món bé không thích
- Không cho bé ăn quà vặt trước bữa ăn chính trong vòng 1,5 - 2 giờ sẽ làm bé “ngang dạ” khi vào bữa ăn.
- Không cần thiết phải canh kỹ từng bữa ăn, từng muỗng bột, vài chục ml sữa… Có lúc bé ăn ít một chút nhưng sau đó sẽ ăn bù. Bé thường có những giai đoạn biếng ăn sinh lý tự nhiên bé sẽ ăn ít nhưng vẫn chơi, vui vẻ thì không nên cố gắng ép uổng bé, vì 1-2 tuần sau bé sẽ ăn lại bình thường trở lại. Quan trọng hơn hết là tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của bé. Bé tăng cân đều chứng tỏ bé ăn đủ và bạn có thể an tâm.
Do hệ tiêu hoá của trẻ còn non yếu và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện trong những năm đầu đời, vì vậy Mẹ nên lưu ý khi chọn thực phẩm cho con nên chọn những sản phẩm tự nhiên hoặc được sản xuất dành riêng cho bé, giúp con phát triển một cách khoẻ mạnh trong những năm đầu đời, làm nền tảng sức khoẻ thể chất và trí não của con sau này.
Bình luận