Ana (23 tuổi, người Brazil) mong mỏi được sống độc lập sau tốt nghiệp đại học. Sự cạnh tranh công việc gay gắt khiến cô gái trẻ chưa tìm được việc làm. Gác lại những mơ ước vẫn dở dang, Ana quay về nhà, sống với cha mẹ.
“Tâm trạng tôi rất tồi tệ. Vừa mong được thỏa sức vẫy vùng nhưng mặt khác, tôi cũng rất hòa hợp với mẹ và em gái. Lợi ích chính của việc sống với gia đình là luôn có thức ăn ngon nấu sẵn”, cô gái 23 tuổi thổ lộ.
Khá hơn, Michael (23 tuổi, người Anh) có việc làm, nhưng không thể chi trả số tiền thuê nhà nếu ở riêng. Chàng trai vẫn sống cùng mẹ.
“Mẹ tôi và tôi rất hợp nhau. Tuy nhiên, tôi biết rằng đến một lúc nào đó, bà ấy sẽ phát chán khi nhìn thấy tôi mỗi ngày. Tôi cần rời đi trước khi điều đó xảy ra”, Michael chia sẻ.
Cùng trong tình cảnh tương tự, Mike (31 tuổi, người Ba Lan) cũng sống chung một mái nhà với phụ huynh. Từng sống một mình, song quyết định cắt giảm nhân sự của công ty buộc Mike phải thắt chặt chi tiêu, quay về ở cùng cha mẹ.
Ba trường hợp của Ana, Michael, Mike đến từ các quốc gia khác nhau nhưng đều phản ánh rắc rối chung của bộ phận thanh niên hiện đại, đặc biệt là những người đến từ các quốc gia phát triển.
Zing.vn tổng hợp các bài đăng trên The Guardian, Forbes, Telegraph và Business Insider, đề cập đến câu chuyện về một thế hệ trẻ trưởng thành, đã tốt nghiệp, song vì nhiều lý do, phải quay trở lại “căn nhà thơ ấu”, sống chung và phụ thuộc vào cha mẹ.
Những đứa trẻ “lớn đầu” sống dưới bóng người thân
Người Anh từng đưa ra thuật ngữ NEET (Not in Education, Employment or Training) để chỉ lớp người trẻ không tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, cũng không đóng góp sức lao động cho xã hội. Họ hoàn toàn không có thu nhập kinh tế và sống “ký sinh” vào gia đình.
Tại Mỹ, cụm từ “thế hệ Boomerang” từ lâu đã phổ biến. Cụ thể, những đứa trẻ Boomerang là những người hoàn thành bậc đại học lại trở về sống dưới sự bao bọc, hỗ trợ tài chính của cha mẹ.
Lý do cốt lõi cho sự “quay đầu” không mong muốn này: gánh nặng tài chính.
Thất nghiệp, nợ tiền học, không đủ khả năng chi trả các khoản phí là các nguyên nhân chính khiến những đứa con không còn sự lựa chọn nào khác ngoài cậy nhờ cha mẹ tiếp tục nuôi mình.
"Tôi không có đủ tiền nếu chuyển ra ngoài sống. Công việc cộng tác viên thư viện cho trường đại học chỉ đem lại mức lương thấp, không có cơ hội thăng tiến. Nếu không về sống với gia đình, tôi chỉ có nước trở thành người vô gia cư" - Mike (33 tuổi, người Mỹ), nói.
Ngay cả khi công việc ổn định, mức lương cao thì sinh hoạt phí quá đắt đỏ ở các thành phố lớn khiến nhiều người trẻ dù “thắt lưng buộc bụng” cũng khó sống độc lập bằng số tiền làm ra.
“Công việc trong lĩnh vực tài chính đem lại thu nhập tương xứng nhưng vẫn không giúp tôi chi trả nổi mức phí thuê căn hộ đắt đỏ tại London. Về ở chung với bố mẹ là phương án tiết kiệm nhất”, Tom Kirkum (23 tuổi, người Anh), cho hay.
Cả cha mẹ Tom đều ngoài 60 tuổi. Ngoài một khoản đóng góp cho gia đình thuê người dọn dẹp mỗi tuần, Tom cố gắng thắt chặt chi tiêu của mình hết sức có thể.
“Tôi muốn chuyển ra ở riêng sớm và không phải phụ thuộc vào phụ huynh nữa. Tôi cân nhắc chuyển đến Manchester hoặc Liverpool, những thành phố có mức sinh hoạt rẻ hơn”, Tom bày tỏ.
Buộc phải quay về với cha mẹ
Số lượng người trẻ phải vật lộn với các gánh nặng kinh tế, khó khăn trong việc tách rời khỏi cha mẹ có xu hướng tăng đều đặn trong hai thập kỷ qua.
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, năm 2018, khoảng một phần tư thanh niên ở Anh đang sống cùng bố mẹ, con số cao nhất kể từ năm 1996.
Hơn 22% số lượng thanh niên trong độ tuổi 23 - 37 tại Mỹ đang sống cùng ba mẹ, theo số liệu báo cáo của công ty cơ sở dữ liệu bất động sản Zillow. Vào năm 2001, tỷ lệ chỉ bằng một nửa hiện tại, dừng ở mức 11,7%.
Có không ít “những đứa trẻ” đang ở độ tuổi đi làm, có bằng cấp cao vẫn phải trông cậy vào cha mẹ nuôi nấng vì thiếu ý chí, dễ tổn thương.
Khi ra trường, họ đem theo lý tưởng cao cho công việc song khi đối mặt với thực tế, cảm giác thất bại khiến những người trẻ chán nản, quyết định về với vòng tay gia đình để sống nhàn hạ, không phải băn khoăn việc thích nghi với xã hội.
Mặc dù thế hệ Boomerang đối mặt với nhiều chỉ trích về việc lười biếng, ăn bám, các chuyên gia phân tích cho hay nguyên do không nằm duy nhất ở phía người trẻ.
Khủng hoảng tài chính khiến thế hệ trẻ làm mọi cách để giữ vị trí công việc của mình bất chấp mức lương và các đãi ngộ không thỏa đáng. Ngay cả khi nền kinh tế phục hồi, chi phí thuê, mua nhà vẫn khiến họ phải vật lộn nhiều năm.
Trong khi thị trường nhà đất Mỹ có dấu hiệu khởi sắc, vẫn có đến 70% bất động sản nằm ngoài khả năng chi trả khi so sánh giá nhà trung bình với bình quân thu nhập của người dân, theo báo cáo của công ty ATTOM Data.
Giá thuê nhà trung bình tại Mỹ rơi vào khoảng hơn 1.400 USD, tăng 2,4% vào tháng 2 vừa qua. Giá nhà cũng chứng kiến sự tăng tương tự, lên mức gần 230.000 USD cho một căn hộ cơ bản.
Không phải “đứa trẻ” nào quay trở về cũng nhận được sự đón tiếp nồng hậu của gia đình. Một bộ phận phụ huynh đã quá quen với việc xa rời con cái khi chúng đặt chân vào đại học.
Quay trở về nhà sau khi chia tay bạn gái, cũng không có việc làm, Gian (34 tuổi, người Italia) bắt đầu mọi thứ lại từ đầu. Công việc kinh doanh online phát triển chậm khiến cha mẹ anh liên tục chê trách, cho rằng anh đang phí phạm thời gian vô ích.
“Cha mẹ đối xử với tôi như thể đứa nhóc tuổi dậy thì cho dù tôi từng có thời gian tự đi du lịch và sống ở nhiều nước khác nhau. Chúng tôi cứ cãi nhau suốt”, Gian phàn nàn.
Hệ lụy lên cha mẹ?
Thực trạng “nuôi con đến già”, con cái không có nhà riêng khiến các bậc phụ huynh phải gánh thêm nhiều áp lực, theo nghiên cứu của Đại học Essex (Anh) công bố năm 2018.
Nghiên cứu đồng thời chỉ ra việc người con quay trở lại sống cùng nhà khiến chất lượng cuộc sống cũng như mức độ hạnh phúc của cha mẹ có xu hướng giảm mạnh.
Tiến sĩ Marco Tosi thuộc Phòng Chính sách xã hội của Anh, đánh giá: “Khi đứa con rời khỏi nhà, cha mẹ bớt trách nhiệm và dành nhiều thời gian hơn cho bản thân. Họ tìm kiếm những sở thích và hoạt động mới. Khi đứa con quay trở lại, trạng thái cân bằng đó bị phá bỏ”.
Giáo sư Emily Grundy của Đại học Essex, cho biết chính sách cải thiện nhà ở của chính phủ Anh có thể giúp ích không chỉ cho những người trẻ tuổi mà cả cha mẹ của họ.
“Vấn đề của một thế hệ gây tác động đến các thế hệ khác trong gia đình, do đó giúp người trẻ dễ dàng sống độc lập theo mong muốn, đem lại lợi ích không chỉ cho bản thân họ mà còn cho cả cha mẹ”, nữ giáo sư đánh giá.
Tuy nhiên, việc thanh niên trong độ tuổi lao động có xu hướng sống với cha mẹ nhiều hơn lại có thể là dấu hiệu tốt với bậc sinh thành, theo phân tích của Jeffrey Arnett - tiến sĩ tại Đại học Clark (Mỹ).
Tiến sĩ Arnett dành 20 năm để nghiên cứu những người trẻ trong độ tuổi từ 18-29 tuổi và gia đình của họ. Kết luận ông đưa ra: phần lớn các bậc cha mẹ đều chào đón những đứa con “bất đắc dĩ” trở về với vòng tay rộng mở.
“Mặc dù trên các phương tiện truyền thông, xu hướng thanh thiếu niên về ở với cha mẹ có thể bị coi là thất bại, hầu hết phụ huynh đều thích có con cái trưởng thành sống gần bên. Điều đó giúp họ cảm thấy gần gũi hơn với con”, ông Arnett bày tỏ.
Robbie (30 tuổi, người Anh) từng dành những năm tháng của tuổi 20 để theo đuổi ngành thiết kế thời trang nhưng kết cục, anh chàng trở về nhà với một khoản nợ trong tay.
“Giờ tôi sống tại Oxford cùng cha mẹ và làm việc tự do. Tôi có thời gian chăm sóc cho cả bố mẹ lẫn con trai. Mối quan hệ gia đình tiến triển rất tốt đẹp, tôi hạnh phúc hơn rất nhiều so với thời phải sống khổ sở ở London”, Robbie kết luận.
Bình luận