Ngư dân Philippines tố cáo Trung Quốc không cho tiếp cận đảo Thị Tứ

Thế giớiThứ Ba, 05/03/2019 21:20:00 +07:00

Báo Australia đưa tin Trung Quốc vừa có động thái mới nhất trên đảo Thị Tứ trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, khi lực lượng "dân quân" nước này kiểm soát một số bãi cát và không cho ngư dân Philippines tiếp cận.

Thị Tứ là đảo lớn thứ hai trong quần đảo Trường Sa về diện tích tự nhiên. Trung Quốc và Philippines nhiều năm qua tranh chấp và đòi tuyên bố chủ quyền với hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hiện Philippines đang chiếm đóng trái phép hòn đảo này.

Theo News.com.au, các ngư dân Philippines tố cáo gần đây bị các tàu Trung Quốc ngăn không cho tiếp cận khu vực đánh cá xung quanh đảo Thị Tứ. 

Inquirer.net dẫn lời một quan chức Philippines cho biết các tàu Trung Quốc cố gắng đẩy ngư dân Philippines ra khỏi một số bãi cát gần đảo Thị Tứ, khi ngư dân đến gần bất cứ vị trí nào nằm trong khoảng 3 km tính từ đảo. "Điều đó có nghĩa là họ (người Trung Quốc) nghĩ rằng họ sở hữu nó vì họ không chịu rời đi" – vị quan chức này cho biết. Ông cũng nói từng chứng kiến một trực thăng bay trên đảo vào tối 22/1.

daothitu_ykbk 4

 Đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. (Ảnh: Không quân Philippines)

Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), một đơn vị thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, ngày 6/2 đã công bố báo cáo cho biết Trung Quốc gần đây đã bắt đầu triển khai các tàu từ đá Xubi, cách đảo Thị Tứ khoảng 12 hải lý trên Biển Đông.

Ngày 3/12/2018, Trung Quốc đã điều ít nhất 24 tàu tới gần đảo Thị Tứ khi các hoạt động xây dựng trái phép của Philippines diễn ra trên hòn đảo tranh chấp này. Trước đó, các hoạt động xây dựng đã tạm dừng do điều kiện thời tiết xấu và biển động.

“Các tàu cá (Trung Quốc) hầu hết đều thả neo ở khu vực cách phía tây đảo Thị Tứ từ 2-5,5 hải lý, trong khi các tàu hải quân và tàu tuần duyên hoạt động xa hơn một chút về phía nam và phía tây. Việc triển khai tàu lần này cũng giống như các trường hợp trước đây cho thấy “chiến lược bắp cải” của Trung Quốc, tức là điều nhiều lớp tàu đánh cá, tàu hải quân và tuần duyên tới quanh khu vực tranh chấp”, báo cáo của AMTI cho biết thêm.

thi-tu-1-1549765180691

 Các tàu Trung Quốc di chuyển dày đặc gần đảo Thị Tứ hồi tháng 12/2018. (Ảnh: AMTI)

Tháng 4/2017, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói quân đội nước này sẽ bắt đầu xây dựng một cầu tàu trên đảo Thị Tứ. Công trình này nhằm cho phép các tàu của Philippines thuận tiện hơn trong việc đưa vật liệu xây dựng lên đảo để sửa chữa và mở rộng đường băng trên đảo, từ đó cho phép máy bay cỡ lớn cất và hạ cánh. Trung Quốc phản đối cho rằng Philippines phá vỡ thỏa thuận không chiếm các bãi cát với việc xây dựng nơi trú ẩn của ngư dân.

thitu-1-1426223 3

   Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 17/5 của CSIS cho thấy hai tàu neo ở phía Tây đảo Thị Tứ. (Ảnh: CSIS/AMTI)

Tháng 5/2018, CSIS cho biết Philippines đã bắt đầu cho xây dựng lại một đường băng và nâng cấp một số cơ sở hạ tầng khác ở đảo Thị Tứ, Biển Đông. Những hình ảnh vệ tinh được chụp ngày 17/5 cho thấy hai tàu neo gần phía Tây của đường băng, một trong số đó dường như được trang bị thiết bị nạo vét, bao gồm cần cẩu và gầu ngoạm.

Theo SCMP, Philippines đã có kế hoạch sửa chữa các cơ sở hạ tầng trên đảo từ lâu nhưng vướng phải sự phản đối của Bắc Kinh.

Liên quan tới việc các nước trong khu vực tranh chấp và chiếm đóng trái phép các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần tuyên bố, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với các đảo trong quần đảo Trường Sa. Mọi hành vi của quốc gia khác tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là hành vi xâm chiếm trái phép và vi phạm luật pháp quốc tế.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn