Chiều 25/7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết biện pháp của Việt Nam sau hành động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh:
"Về vụ việc nghiêm trọng này, chúng tôi từng đề cập nhiều lần trong các phát biểu trước đây. Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đã được xác lập tại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở của luật pháp quốc tế".
Bà Hằng cho biết Việt Nam đã có nhiều biện pháp giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật.
"Duy trì hoà bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại UNCLOS là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới", người phát ngôn nói thêm.
Trước đó, trong tuyên bố đưa ra hôm 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết trong những ngày qua nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.
“Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói ngày 19/7.
Tàu Hải Dương Địa Chất 8 khi đó có hai tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống, một trong hai tàu đó nặng 12.000 tấn là một trong những tàu tuần duyên lớn nhất châu Á.
Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc rút tàu thuyền, bao gồm cả tàu Hải Dương Địa Chất 8, khỏi vùng biển Việt Nam.
Trong thông cáo, Việt Nam kêu gọi "các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này".
Ngày 20/7, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra thông cáo chỉ trích việc Trung Quốc can thiệp vào “các hoạt động thăm dò và khai thác từ lâu của Việt Nam” trên Biển Đông.
"Mỹ quan ngại về các thông tin Trung Quốc can thiệp vào hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông, trong đó có hoạt động thăm dò từ lâu của Việt Nam (ở đây)", thông cáo Bộ Ngoại giao Mỹ viết.
"Các hành động khiêu khích liên tiếp của Trung Quốc nhắm vào hoạt động thăm dò dầu khí của các bên đe dọa tới an ninh năng lượng khu vực và ảnh hưởng tới thị trường năng lượng tự do và mở ở Ấn Độ - Thái Bình Dương", thông cáo từ người phát ngôn Morgan Ortagus nêu.
Trung Quốc cũng có các hành vi nhằm “ngăn chặn phát triển kinh tế ở Biển Đông thông qua ép buộc... không cho các nước thành viên ASEAN tiếp cận trữ lượng năng lượng trị giá 2.500 tỷ USD ở đây”, theo thông cáo.
“Trung Quốc nên dừng ngay các hành động bắt nạt và không thực hiện các hành vi khiêu khích, gây bất ổn”, người đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Bình luận