Liên quan đến vụ việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đến khu vực Bãi Tư Chính, xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, TS. Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ, khẳng định động thái leo thang gây căng thẳng ở biển Đông này của Trung Quốc hoàn toàn nằm trong toan tính từ lâu của nước này, được thực hiện khi có những điều kiện quốc tế thuận lợi.
“Trên toàn bộ khu vực biển Đông, bên cạnh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, vẫn còn có các thềm lục địa và vùng biển khác được xác định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Ngoài những vấn đề lãnh thổ, biên giới, chủ quyền quốc gia, thì vấn đề giải quyết phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa các quốc gia có vấn đề với nhau chủ yếu là xoay quanh vấn đề kinh tế, chứ không phải là vấn đề không gian. Và đây cũng là mục tiêu chính của Trung Quốc trong động thái vừa qua” - TS. Trần Công Trục cho biết.
Việc đưa nhóm tàu xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoàn toàn nằm trong toan tính từ lâu của Trung Quốc.
TS. Trần Công Trục
Theo chuyên gia, phạm vi không gian của thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế, khác với phạm vi không gian của lãnh hải, vùng nội thủy, không phải là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia, không phải vấn đề chủ quyền, mà là quyền chủ quyền và quyền tài phán về mặt kinh tế, trong đó có việc bảo vệ và khai thác tài nguyên, cũng như xử lý các vi phạm có liên quan đến hoạt động kinh tế. Do đó, hành động vi phạm của Trung Quốc vừa qua tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có thể khẳng định, có liên quan đến vấn đề kinh tế, mà cụ thể là nhu cầu khai thác tài nguyên.
“Động thái trên nằm trong tính toán của Trung Quốc từ lâu” – TS. Trục khẳng định. Để thực hiện giấc mơ của mình trong việc độc chiếm biển Đông, dùng biển Đông làm bàn đạp (cả về kinh tế, chính trị, quân sự) vươn lên trở thành siêu cường thế giới, Trung Quốc đã có những bước tính toán cụ thể trong việc giành “chủ quyền” đối với quần đảo Hoàng Sa, tiếp đến giành lấy một số thực thể ở quần đảo Trường Sa. Đồng thời, trên cơ sở đó, Trung Quốc mới có thể đưa ra những yêu sách và thực hiện các hành động bảo vệ yêu sách độc chiếm trên 90% biển Đông.
TS. Trục tin rằng việc đưa tàu xuống bãi ngầm Tư Chính lần này với lập luận đây là một bộ phận của “quần đảo Nam Sa” chính là cách Trung Quốc biện minh cho hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên của mình. Ngay từ sau năm 1988, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai việc phân lô, mời gọi các công ty nước ngoài, trong đó có các công ty của Mỹ, vào tham gia khảo sát. Và bây giờ, Trung Quốc trực tiếp tiến hành khảo sát.
“Đây có thể coi là động thái chuẩn bị cho một bước thực hiện mới của Trung Quốc. Trung Quốc từng nói: Việt Nam và các nước khác trong khu vực đã tiến hành khoan, thăm dò, khai thác nguồn dầu khí tại vùng biển của Trung Quốc, mà không chấp nhận cho Trung Quốc khai thác cùng, bất chấp đề nghị của họ, cho nên giờ đây Trung Quốc cũng có quyền làm điều tương tự” - chuyên gia cho biết.
“Trung Quốc khi tiến hành bất cứ động thái nào, nhất là tại các khu vực đụng chạm đến lợi ích của các nước thì họ phải tính toán thời cơ thích hợp để tiến hành” - TS. Trục cho biết thêm.
Thời cơ ở đây, theo TS. Trục, chính là: Mỹ đang phải phân tâm với các vấn đề cần giải quyết ở Trung Đông liên quan đến Iran, vấn đề chiến tranh thương mại, vấn đề bán đảo Triều Tiên... Trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, mặc dù Mỹ đang có những lợi thế nhất định, nhưng cũng không phải không có những khó khăn cần giải quyết.
Liên quan đến các nước trong khu vực ASEAN, mặc dù đã có những quyết tâm, đoàn kết, nhất trí nhất định, nhưng quan điểm và nhận thức của các nước trước cách hành xử của Trung Quốc tại biển Đông vẫn có những mức độ khác nhau. Hơn nữa, Trung Quốc cũng đang tìm cách lôi kéo một số nước trong khu vực.
Đối với Việt Nam, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta luôn luôn ôn hòa, mong muốn giữ thế cân bằng trong quan hệ chiến lược với các nước. Trung Quốc nhận thấy Việt Nam đang có những bước đi tích cực cụ thể trong mối quan hệ với Mỹ, cũng như với châu Âu (ký hiệp định thương mại tự do với EU). Bên cạnh đó, Việt Nam trúng cử ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc, và sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Do đó, Trung Quốc muốn lợi dụng cơ hội này để gây ra cho Việt Nam những khó khăn nhất định - chuyên gia nhận định.
“Mục tiêu của Trung Quốc tại vùng biển này chính là nhằm vào vấn đề kinh tế. Đây có thể là một phép thử. Bởi với tất cả tính toán trên, Trung Quốc đang muốn mở rộng khai thác tài nguyên tại biển Đông. Và nếu không vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng động thế giới và các biện pháp ngăn cản hợp lý của Việt Nam, thì việc Trung Quốc đưa giàn khoan xuống và cắm tại khu vực này để khai thác là có khả năng xảy ra. Đó mới là vấn đề thực sự nguy hiểm và nhạy cảm, đe dọa đến nền kinh tế, chính trị của Việt Nam và khu vực. Do đó, chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng vấn đề để có thể lường trước được sự việc” – TS. Trục kết luận.
Bình luận